Nộp đơn xin cấp bằng từ năm 2012, nhưng cho đến ngày 4/5/2022 một giảng viên của Học viện Công nghệ Quốc gia Karnataka (Ấn Độ) mới được cấp bằng sáng chế cho sản phẩm rượu vang sử dụng táo hạt điều và nho khô của mình.

Sáng chế có tiêu đề “Quy trình sản xuất đồ uống có cồn từ táo điều và nho khô và đồ uống có cồn được sản xuất từ chúng”. Loại rượu vang này được Prasanna Belur, tiến sĩ khoa kỹ thuật hóa học của học viện, nghiên cứu và sáng tạo. Quá trình nghiên cứu và xin cấp bằng đã kéo dài rất nhiều năm. Để có thể cầm được tấm bằng sáng chế trong tay, tiến sĩ Belur đã phải chờ đợi 10 năm.

Ấn Độ cấp bằng sáng chế cho sản phẩm rượu táo hạt điều (Hình ảnh: sohuutritue.net)

Quá trình nghiên cứu

Tiến sĩ Belur cho biết: Quả điều (phần mềm mọng nước của điều) hay còn gọi là táo hạt điều là một nguồn giàu carbohydrate, khoáng chất, vitamin, axit amin, carotenoid, phenol, axit hữu cơ, chất chống oxy hóa và được coi là một nguồn năng lượng dồi dào. Thông qua các nghiên cứu khoa học, táo hạt điều chứa 10% đường, vitamin C với hàm lượng cao (261,5mg trong 100g phần ăn được), nhiều gấp 5 – 6 lần ở cam, chanh, chuối.

Từ năm 2012, các chuyên gia tại Brazil, Ấn Độ, Nigeria và các quốc gia khác đã thực hiện nhiều nghiên cứu để tìm ra công dụng của quả điều. Tuy nhiên, họ khó có thể tung sản phẩm của mình ra thị trường do các kết quả nghiên cứu đều không đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

Theo ông Blur, một trong những lý do dẫn đến sự thất bại là độ se của táo hạt điều cao do sự hiện diện của một số loại axit. Theo kết quả nghiên cứu nêu trên, vitamin C trong quả điều nhiều gấp 5-6 lần quả chanh, nếu ép tươi sẽ thu được dịch trái có nộng độ 12-14 brix, chứa 10,15-12,5 đường (chủ yếu là đường khử) và 0,35% axit (theo malic axit).

Do đó, trong quá trình bảo quản, táo điều rất dễ chuyển sang màu nâu. Nguyên nhân là vì các polyphenol không ổn định nên sẽ trải qua các phản ứng hóa học và sinh hóa. Ngoài ra, rượu vang còn có mùi mồ hôi khó chịu. Ông Blur cho biết, đó là do sự hiện diện của axit 2-metyl butanoic và các hợp chất liên quan.

Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy hương vị trái cây đặc trưng bị phai đi rất nhanh trong quá trình bảo quản, điều này khiến nhà sản xuất khó cung cấp chất lượng đồng nhất cho người tiêu dùng. Kết quả táo điều tiếp tục bị coi là phế phẩm.

Công nghệ đột phá mới

Tuy nhiên, ông Belur đã phát hiện và phát triển một công nghệ mới có khả năng loại bỏ tất cả những yếu tố không mong muốn trên. Được biết, hiện tại ông sử dụng nho khô và táo hạt điều tươi làm nguyên liệu chính. Trong rượu vang có chứa nho khô, do đó có màu đỏ trong mờ, ngọt ngào vị trái cây và mang mùi thơm đặc trưng của táo hạt điều. Loại rượu vang này cũng có độ axit tiêu chuẩn và không sử dụng chất kiểm soát độ se của táo điều. Nồng độ cồn của rượu nằm trong phạm vi từ 7,5-15%.

Tiến sĩ Belur cho biết sản phẩm được làm thông qua quy trình hai bước và không chứa chất phụ gia. Nếu công nghệ này được thương mại hóa, đây có thể là một bố sung mới cho thế giới đồ uống có cồn và tạo thêm doanh thu cho nông dân trồng điều.

Đồng thời, hiện nay, Học viện Công nghệ Quốc gia Karnataka đang có kế hoạch chuyển giao công nghệ (cấp phép) cho các doanh nghiệp quan tâm.