Mới đây trí tuệ nhân tạo Al đã tiến hành chứng thực bức ‘Samson và Delilah’ (1609-10) được treo trong Phòng trưng bày Quốc gia London. Đây là bức tranh từ lâu đã bị nghi ngờ về tính xác thực.
Trong bức ‘Samson và Delilah’, cảnh của Samson và nàng Delilah được mô tả cảnh trong Kinh thánh, Delilah đã dàn dựng việc cắt tóc của Samson trong khi chàng ngủ, việc có thể khiến chàng dũng sĩ mất hết mọi sức mạnh.
Danh họa Peter Paul Rubens đã vẽ bức ‘Samson và Delilah’ cho người bảo trợ của ông là Ngài Nicolaas Rockox, thị trưởng Antwerp, nhưng bức tranh đã biến mất sau khi Rubens qua đời vào năm 1640. Và sau đó, vào năm 1929, bức hoạ ‘Samson và Delilah’ đã quay trở lại với công chúng, với sự chứng nhận của Ludwig Bruchard, một chuyên gia về tranh Rubens và đã được phòng triển lãm London mua lại vào năm 1980 với giá 2,5 triệu bảng, tương đương 6,6 triệu bảng ngày nay. Bức ‘Samson và Delilah’ trở thành tác phẩm nghệ thuật đắt thứ ba từng được mua đấu giá. Tuy nhiên, từ lâu đã có ý kiến cho rằng bức tranh không phải là tác phẩm của Rubens. Mới đây, trí tuệ nhân tạo Al đã vào cuộc để củng cố lập luận đó.
Làm thế nào Al có thể phát hiện tranh giả?
Sau quá trình phân tích, hệ thống Art Recognition kết luận Samson và Delilah không phải là tác phẩm nghệ thuật gốc của Rubens, với xác suất lên đến 91,78%. Để có được kết quả này, AI đã so sánh bức Samson và Deliah với 148 bức tranh đã qua kiểm định của Rubens. Ngược lại, AI cũng từng xác nhận bức ‘A View of Het Steen in the Early Morning’ (tạm dịch: Quang cảnh Het Steen lúc sáng sớm) thuộc về danh họa người Flemish với xác suất 98,76%.
Nhờ được tiếp xúc với tranh của họ trong suốt quá trình đào tạo, AI được học cách xác định các đặc điểm của từng họa sĩ. Hệ thống AI là công cụ của một công ty Thụy Sĩ có trụ sở tại Zurich. Công ty này chuyên dùng các thuật toán dựa trên mạng lưới nơ-ron phức hợp sâu để giám định tác phẩm nghệ thuật.
Một bức tranh sẽ được chia thành từ mảng nhỏ, các mảng được phóng to để AI có thể nắm bắt từng chi tiết nhỏ nhất. Sau khi quá trình hoàn tất, AI sẽ tiếp xúc với nhiều tranh mới. Hệ thống có thể phân tích các đặc điểm trong tranh để xác định xem nó có phải hàng thật hay không nhờ vào dữ liệu đã thu thập được. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đã phân tích 400 bức tranh, hợp tác với Đại học Tilburg (Hà Lan).
Nhà khoa học đầu ngành về phân tích AI, Carina Popovici chia sẻ rằng họ đã lặp lại các thí nghiệm để thực sự chắc chắn rằng không mắc sai lầm và kết quả luôn giống nhau. Ông cũng khẳng định hệ thống AI có khả năng đưa ra kết quả chính xác ngay cả đối với những họa sĩ thay đổi nhiều phong cách trong sự nghiệp.
Trong một email gửi tới ARTnews, Phòng trưng bày Quốc gia cho biết: “Phòng trưng bày luôn ghi nhận những nghiên cứu mới. Chúng tôi chờ đợi báo cáo hoàn chỉnh, để mọi bằng chứng có thể được đánh giá một cách thích hợp. Cho đến lúc đó, chúng tôi không có gì để bình luận thêm”.