Nhiều thế kỷ trước, khi những người sản xuất rượu sâm panh đầu tiên đang làm việc cật lực để hoàn thiện sản phẩm của mình, họ không thể đoán trước được rằng một ngày nào đó thành quả lao động của mình sẽ được coi là một trong những thành tựu nổi bật của ngành sản xuất rượu.
Rượu sâm panh và SHTT
Ngày nay, sâm panh, loại rượu được đặt tên theo vùng Grand Est ở miền đông bắc nước Pháp là một trong những loại rượu nổi tiếng nhất thế giới. Từ góc độ Sở hữu trí tuệ (SHTT), sâm panh có lẽ là ví dụ nổi tiếng nhất về việc một sản phẩm có thể được bảo vệ bởi chỉ dẫn địa lý như thế nào.
Theo Comité Interprofessionnel du vin de Champagne (CIVC) – cơ quan quản lý chính thức việc sản xuất rượu sâm panh, sủi tăm là tác dụng phụ của quá trình lên men rượu và đã được ghi nhận từ thế kỷ thứ 6. Nhưng hiện tượng này không hề được những người sản xuất rượu vang ở thời điểm đó coi là tín hiệu tốt. Trên thực tế, trong hơn một nghìn năm, nhiều người coi rượu sủi tăm là loại đồ uống không ngon, hay ít nhất là không đạt tiêu chuẩn. Điều này phần nào giải thích tại sao, khi rượu sâm panh sủi tăm bắt đầu gắn liền với vùng Champagne vào cuối những năm 1600, loại rượu này đã không được thực sự phổ biến tại Pháp cho đến những năm đầu của thế kỷ sau. Đáng ngạc nhiên, nhờ vào giới quý tộc Anh mà vào những năm 1670, sâm panh đã có thể lần đầu trở nên thịnh hành.
Mặc dù đã có thể trở nên thịnh hành nhưng quá trình sản xuất rượu vang vẫn còn rất nhiều khó khăn. Sau khi hỗn hợp nho được lên men và chiết xuất chất lỏng, rượu phải được giữ trong thùng trong sáu tháng trước khi có thể đóng chai (thường là vào mùa xuân) và sau đó được ủ trong những chai đó cho đến mùa thu. Chỉ khi ngay từ đầu người sản xuất rượu đã thêm đủ lượng đường vào hỗn hợp để một ít đường sẽ tồn đọng lại trong sản phẩm được đóng chai, thì rượu vang mới có thể sủi tăm. Cho đến khi những phát triển trong lĩnh vực sản xuất rượu như chai thủy tinh được gia cố, nút bần được buộc chặt bằng dây và quy trình loại bỏ chất tồn đọng trở thành tiêu chuẩn vào đầu thế kỷ 19, việc sản xuất rượu sâm panh mới trở nên dễ dàng hơn.
Do phương pháp sản xuất tốn kém, rượu sâm panh chính hãng chưa bao giờ rẻ. Mặc dù vậy, sự phổ biến của loại rượu này vẫn bùng nổ trong thế kỷ 19, tăng từ số lượng khoảng 300.000 chai được sản xuất vào năm 1800 lên 36 triệu chai vào năm 1883.
Sau đó, một số người sản xuất rượu vang từ các tỉnh khác tại nước Pháp và các quốc gia khác cũng bắt đầu sản xuất rượu vang sủi bọt với quy trình sản xuất tương tự như rượu sâm panh. Trong số đó, nhiều người không gọi rượu vang của họ là sâm panh mà sử dụng các cái tên như “champagnisation” hay “methode champenoise”. Các nhà sản xuất rượu sâm panh chính hãng chắc hẳn đã rất phẫn nộ với điều này và đã đệ đơn kiện một số bên vi phạm, nhưng họ đã không thể tìm ra cách để bảo vệ sản phẩm của mình cho đến đầu thế kỷ 20.
Năm 1919, chính phủ Pháp đã thông qua Luật liên quan đến việc bảo hộ tên gọi xuất xứ. Luật này tuyên bố rằng một số loại rượu vang và rượu mạnh, bao gồm cả sâm panh, chỉ có thể được sản xuất ở những vùng mà chúng được xuất xứ.
Ngày nay, chỉ dẫn địa lý là một khái niệm về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và được coi là một yếu tố thiết yếu của các điều ước kinh tế quốc tế như Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). Mặc dù hầu hết các luật về tên gọi hoặc chỉ dẫn địa lý đều khác biệt tại từng quốc gia, nhưng tại Châu Âu có các quy định bảo vệ bổ sung thông qua Chỉ định xuất xứ được bảo vệ (PDO) và Đảm bảo đặc sản truyền thống (TSG), cùng với Chỉ dẫn địa lý. Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cũng cung cấp hệ thống Lisbon về đăng ký quốc tế tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý.