Chỉ vài tháng sau khi Nike rơi vào cảnh bị người tiêu dùng tẩy chay vì những phát ngôn của hãng về Tân Cương, giờ đây thương hiệu đồ thể thao nổi tiếng này lại tiếp tục bị người tiêu dùng toàn cầu tẩy chay vì câu nói “Nike là thương hiệu của Trung Quốc” của ông John Donahoe – CEO của Nike.

Mới đây, trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh vừa qua, John Donahoe – CEO của tập đoàn Nike, đã có 1 phát ngôn gây sốc cho toàn thế giới khi ông công bố chiến lược phát triển trong tương lai của Nike.

“Nike là thương hiệu của Trung Quốc và dành cho Trung Quốc,” Donahoe đã trả lời với tuyên bố hùng hồn trên khi nhận được câu hỏi về trở ngại cạnh tranh từ các thương hiệu khác.

Không chỉ scandal này, trước đây vào hồi tháng 3 đầu năm, Nike cũng đã có 1 phát ngôn gây tranh cãi khác về việc sử dụng lao động ở Tân Cương. Vốn tưởng thông điệp này đã bị phủ bụi theo dòng chảy thời gian, nhưng sau tuyên bố về thương hiệu này của Nike, không gì có thể dấu được truyền thông nhà nước Trung Quốc và cộng đồng mạng. Sau 1 chút công sức, họ đã đào lại được tất cả các thông điệp mà Nike, cụ thể là lãnh đạo của Nike từng tuyên bố trong công cộng.

Theo đó, lãnh đạo của Nike đã từng bày tỏ sự quan ngại trước những báo cáo về việc sử dụng lao động ở Tân Cương – vùng sản xuất tới hơn 80% tổng lượng bông của Trung Quốc.

Tuyên bố đó của Nike đã thổi bùng lên làn sóng chỉ trích từ nhiều người nổi tiếng, trong đó có Wang Yibo, ngôi sao nhạc pop và cũng là đại sứ thương hiệu của Nike. Tuyên bố này gây bức xúc đến nỗi Wang tuyên bố rằng anh sẽ cắt đứt mọi quan hệ với Nike.

Liệu đây có phải dấu chấm hết của Nike?

Chỉ 1 câu nói của Nike đã khiến cho thương hiệu này tụt dốc không phanh. Sang đầu tháng 4, làn sóng tẩy chay một loạt thương hiệu phương Tây như Nike và H&M đã bùng nổ mạnh hơn bao giờ hết. Trái lại, sự tẩy chay của Nike và H&M đã giúp cổ phiếu của nhiều đối thủ nội địa như Li Ning và Anta Sports tăng mạnh.

Tuy nhiên trong báo cáo tài chính công bố vừa qua, Nike vẫn ghi nhận doanh thu 1,9 tỷ USD tại thị trường Trung Quốc trong 3 tháng kết thúc vào ngày 31/5, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.

Nike đối mặt làn sóng tẩy chay toàn cầu

Quay trở lại với tuyên bố Nike trở thành thương hiệu ‘độc quyền của Trung Quốc’, CEO Nike là John Donahoe giải thích rằng hiện tại Nike đang hướng tầm nhìn dài hạn về việc kinh doanh, hoạt động tại Trung Quốc – nơi họ đã có mặt trong gần 4 thập kỷ qua. Tập trung phát triển tại thị trường Trung Quốc là một chuyện, nhưng điều gây bất ngờ hơn cả là vị CEO này còn khẳng định rằng Nike là “thương hiệu của Trung Quốc”. 

Ông John Donahoe cho biết: “Chúng tôi đang là thương hiệu thể thao lớn nhất ở đây, chúng tôi là thương hiệu của Trung Quốc và cho người Trung Quốc. Tài sản lớn nhất chúng tôi có ở Trung Quốc là niềm tin của người tiêu dùng. Khách hàng cảm thấy kết nối sâu sắc và mạnh mẽ với Nike, Jordan và thương hiệu Converse tại Trung Quốc. Điều đó là thật.”

#BoycottNike tràn lan trên mạng xã hội

Ngay sau tuyên bố trên, hashtag #BoycottNike (tẩy chay Nike) bắt đầu lan tràn rộng rãi trên mạng xã hội Twitter.

Tài khoản SherlockNotHolmes nói rằng: “Hãy ngừng mua đồ của Nike!”

“Nike chẳng thèm quan tâm tới giá trị chung của thế giới vậy thì tại sao phải quan tâm tới họ”, một tài khoản khác nhận định. 

“Ok, vậy thì phần còn lại của thế giới nên tẩy chay Nike”, tài khoản có tên Vin tức giận nói. 

“Tôi vốn chẳng mua nhiều sản phẩm của Nike, nhưng giờ thì sẽ không mua luôn”. 

“Đến lúc tẩy chay Nike rồi đó, họ vốn chẳng quan tâm tới khách hàng Mỹ”. 

“Tạm biệt Nike, tôi sẽ không mua bất kỳ sản phẩm nào của Nike kể từ bây giờ. Họ làm tốt ở thị trường Trung Quốc rồi, họ không cần chúng ta nữa”. 

“Tôi sẽ không bao giờ mua thêm bất kỳ sản phẩm nào của Nike nữa”.