Tiếp nối bài viết Lịch sử Luật Bản Quyền của Mỹ (Phần 3), bài viết sau sẽ tiếp tục liệt kê những mốc thời gian quan trọng tạo nên Lịch sử Luật Bản Quyền của Mỹ, chủ yếu xoay quanh những dấu mốc quan trọng trong thập niên đầu tiên của thế kỉ 21.

2008: Hiệp ước phát thanh truyền hình WIPO (WIPO Broadcasting Treaty)

Nhằm gia tăng sự bảo hộ đối với các tác phẩm phát thanh truyền hình của các nhà đài lớn trên thế giới, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (“WIPO”) đã xem xét đề xuất xây dựng một đạo luật mới nhằm bảo hộ quyền tài sản của các đài truyền hình.

Đạo luật này về bản chất khá tương tự với luật bản quyền, nhằm mục đích bảo hộ các chương trình phát sóng của đài truyền hình trong tối đa 50 năm.

Hiệp ước sẽ cho phép các đài truyền hình sở hữu quyền đối với tín hiệu phát sóng của họ cũng như quyền đối với nội dung sáng tạo do các cá nhân khác sản xuất được trình chiếu trên đài.

Ý tưởng xem xét bắt đầu từ tháng 6 năm 2004. Đến năm 2006, một bản dự thảo sửa đổi của hiệp ước đã được ban hành.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhiều quốc gia lớn mạnh có dự định gia nhập vào hiệp ước đã phải chùn chân do các điều khoản vẫn còn gây tranh cãi. Cụ thể, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã muốn loại trừ tính năng phát sóng trên website khỏi hiệp ước.

Cuộc thảo luận bị hoãn qua 2007 và đã trở thành vấn đề trọng tâm tại cuộc họp năm 2008 của Ủy ban Thường vụ WIPO về Bản quyền tại Geneva.

Dẫu rằng sự thống nhất về các điều khoản vẫn chưa đạt được nhưng Ủy ban thường vụ về bản quyền và quyền liên quan của WIPO tiếp tục bàn luận về quyền của các đài truyền hình như một vấn đề quan trọng trong chương trình họp của mình.

2008: Đạo luật Sở hữu Trí tuệ PRO-IP

Vào tháng 12 năm 2008, Tổng thống George W. Bush đã ký dự luật PRO-IP thành luật. Đạo luật được thiết kế để tăng cường sự bảo hộ đối với chủ sở hữu quyền và đồng thời gia tăng hình phạt đối với hành vi giả mạo và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất của Đạo luật này đối với Luật bản quyền chung của Mỹ chính là sự thiết lập rằng việc đăng ký bản quyền không phải là điều kiện tiên quyết để truy tố hình sự đối với hành vi vi phạm bản quyền.

Trước đây, dù rằng bản quyền là quyền tự động được trao cho chủ sở hữu sáng tạo nên tác phẩm và không cần phải đăng ký với Cục SHTT của Mỹ (Cũng như đa số các quốc gia khác trên thế giới). Tuy nhiên, việc đăng ký bản quyền vẫn được khuyến nghị để tác phẩm có thể được lưu vào hồ sơ công của Mỹ và qua đó, đạt được sự quản lí và theo dõi, giám sát, bảo hộ chặt chẽ hơn.

Về vấn đề vi phạm bản quyền, trước đây chủ sở hữu phải đăng ký bản quyền với Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ rồi mới có thể kiện bên khác về hành vi vi phạm bản quyền. Qua đó, tạo nên một tình huống phức tạp rằng chủ sở hữu không cần thiết phải đăng ký để bảo hộ bản quyền nhưng trên thực tế họ lại cần phải đăng ký để ‘bảo hộ’ bản quyền.

Tuy nhiên, với đạo luật PRO-IP này, giờ đây, dù không có sự đăng ký vào hệ thống, hành vi vi phạm bản quyền đối với một tác phẩm sẽ có thể bị chủ sở hữu tố cáo và truy tố hình sự nếu như mức độ của hành vi vi phạm đủ nghiêm trọng.

Hình phạt cho hành vi vi phạm hình sự đối với bản quyền tác phẩm tại Mỹ có thể lên đến 1.000.000 USD, bị phạt tù đến 10 năm, hoặc cả hai.

Đạo luật PRO-IP cũng yêu cầu Tổng thống chỉ định Điều phối viên thực thi quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual Property Enforcement Coordinator – IPEC). Qua đó, IPEC sẽ đóng vai trò giúp phát triển các kế hoạch, chiến lược để giúp chống nạn vi phạm và làm giả tài sản sở hữu trí tuệ ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài.

2008: Biểu hiện Văn hóa Truyền thống

Các Biểu hiện Văn hóa Truyền thống từ lâu đã là một trong những đối tượng nhận được nhiều quan tâm của WIPO. Trong 2 thập kỉ từ đầu thế kỉ 21, WIPO đã gia tăng, tăng cường nhiều biện pháp để bảo hộ các Biểu hiện Văn hóa Truyền thống (Traditional Culture Expressions – TCE).

Từ năm 2001, WIPO đã thành lập Ủy ban Liên chính phủ về Sở hữu Trí tuệ và Nguồn gen, Tri thức Truyền thống và Văn hóa Dân gian (IGC). Cụ thể, IGC có nhiệm vụ phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm của người bản địa và cộng đồng truyền thống, bao gồm các câu chuyện, truyền thuyết, tên, biểu tượng, bài hát và âm nhạc.

Những dạng tác phẩm này có vẻ giống như những đối tượng được bảo hộ bản quyền theo luật bản quyền Mỹ, tuy nhiên trên thực tế giữa TCE và các bài hát, âm nhạc phổ biến hiện nay lại có sự khác biệt rất rõ ràng.

Các biểu hiện văn hóa truyền thống TCE này không có một tác giả hoặc chủ sở hữu rõ ràng. Qua đó, rất khó để định hình một chủ sở hữu duy nhất. Chính vì việc chủ sở hữu có thể là một cộng đồng hoặc một vùng khu vực nhất định từ hàng trăm, hàng nghìn năm trước khiến cho việc xác định phương phức bảo hộ và đối tượng bảo hộ càng thêm khó khăn bởi vì các tài sản này không giống như các tài sản sở hữu trí tuệ khác như nhãn hiệu, sáng chế,… vốn có luật pháp quy định cụ thể về phương thức bảo hộ từ hàng trăm năm trước.

Chính vì vậy, đến năm 2008, WIPO đã khởi động Dự án Di sản Sáng tạo (Creative Heritage Project) để phát triển các hướng dẫn và các phương thức tốt nhất để quản lý các vấn đề về sở hữu trí tuệ khi ghi chép, số hóa và phổ biến di sản văn hóa, bao gồm các biểu hiện văn hóa truyền thống.

2010: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thiết chế kinh tế đa phương do Mỹ khởi xướng. TPP được đánh giá là một trong những thành tựu quan trọng nhất của chính quyền Mỹ thời ông Obama làm Tổng thống.  

Năm 2010, 9 quốc gia có sự khác nhau rộng lớn về kinh tế cũng như các lĩnh vực khác như quân sự, y tế,… đã cùng nhau bắt tay hợp tác để đàm phán một hiệp định thương mại khu vực toàn diện, quy mô lớn với tên gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Lãnh đạo các nước thành viên và các nước đang tham gia đàm phán gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh của TPP vào năm 2010

TPP ban đầu được hình thành từ khối thương mại Thái Bình Dương-4 (P4) gồm Brunei, Chile, New Zealand và Singapore, với sự bổ sung của Australia, Malaysia, Peru, Hoa Kỳ và Việt Nam là các bên đàm phán vào năm 2010. Canada và Mexico tham gia đàm phán vào tháng 12 năm 2012 và Nhật Bản trở thành một bên đàm phán vào tháng 7 năm 2013.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định toàn diện, bao gồm hơn 20 chương được đề xuất bao gồm một chương về quyền sở hữu trí tuệ.

Chương về sở hữu trí tuệ của hiệp định TPP bao gồm các điều khoản nội dung về bản quyền, nhãn hiệu và bằng sáng chế cũng như các điều khoản thực thi chi tiết bao gồm các biện pháp dân sự, hình sự và trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan,…

Hiệp định TPP được ký kết vào tháng 2-2016 bởi 12 quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia và Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP vào năm 2017.

Qua đó, 11 nước còn lại bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam phải đàm phán và ký kết hiệp định mới có tên là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là Hiệp định CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership) vào ngày 8-3-2018, tại thành phố Santiago, Chile.

Về bản chất, CPTPP thực chất là TPP chép lại. CPTPP chỉ thiếu 20 điều khoản liên quan trực tiếp với Mỹ đang được “treo” và sẽ được khởi động trở lại nếu Mỹ tiếp tục tham gia.

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30-12-2018 đối với nhóm sáu nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14-1-2019.