Tiếp nối bài viết Lịch sử Luật Bản Quyền của Mỹ (Phần 2), bài viết sau sẽ tiếp tục liệt kê những mốc thời gian quan trọng tạo nên bộ luật bản quyền Mỹ hiện tại, chủ yếu xoay quanh những hiệp định quan trọng mà Mỹ tham dự vào thập niên cuối của thế kỉ 21.

1996: Hiệp định TRIPS

Hiệp định TRIPS ra đời nhằm bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ áp dụng trong khuôn khổ các thành viên của tổ chức WTO. 

Hiệp định TRIPS được ký kết vào ngày 15 tháng 12 năm 1993 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1995.

Vào tháng 12 năm 1994, Tổng thống Clinton đã ký Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) thực hiện Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) bao gồm Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS).

Cụ thể, Hiệp định TRIPS yêu cầu các thành viên WTO cung cấp quyền bản quyền, bao gồm tác giả và chủ sở hữu bản quyền khác, cũng như chủ sở hữu quyền liên quan, cụ thể là người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng; chỉ dẫn địa lý; kiểu dáng công nghiệp; thiết kế-bố trí mạch tích hợp; bằng sáng chế; giống cây trồng mới; nhãn hiệu; tên thương mại và thông tin bí mật hoặc không được tiết lộ.

Hiệp định TRIPS cũng quy định các thủ tục thực thi, các biện pháp khắc phục và các thủ tục giải quyết tranh chấp. Việc bảo vệ và thực thi tất cả các quyền sở hữu trí tuệ phải đáp ứng các mục tiêu góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ và chuyển giao và phổ biến công nghệ vì lợi ích chung của người sản xuất và người sử dụng tri thức công nghệ và theo cách có lợi cho xã hội và phúc lợi kinh tế và cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ.

Ảnh hưởng quan trọng nhất của Hiệp định TRIPS đối với Mỹ chính là việc các quy định trong URAA đã sửa đổi, thay đổi về cơ bản hệ thống luật bản quyền của Mỹ và bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 1996, bản quyền đối với các tác phẩm từ các quốc gia đủ điều kiện đã được khôi phục.

1996: Hiệp ước WIPO về quyền tác giả và Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm

Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) là một trong 15 cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc. WIPO được thành lập để thúc đẩy và bảo vệ sở hữu trí tuệ (IP) trên toàn thế giới bằng cách hợp tác với các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế. WIPO chính thức bắt đầu hoạt động vào ngày 26 tháng 4 năm 1970 khi hiệp ước có hiệu lực.

Các hoạt động của WIPO bao gồm tổ chức các diễn đàn để thảo luận và định hình các quy tắc và chính sách SHTT quốc tế, cung cấp các dịch vụ toàn cầu về đăng ký và bảo hộ SHTT ở các quốc gia khác nhau, giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ xuyên biên giới, giúp kết nối các hệ thống sở hữu trí tuệ thông qua các tiêu chuẩn và cơ sở hạ tầng thống nhất, đồng thời đóng vai trò là cơ sở dữ liệu tham chiếu chung về tất cả các vấn đề về IP, bao gồm việc cung cấp các báo cáo và thống kê về tình trạng bảo hộ hoặc đổi mới quyền sở hữu trí tuệ trên toàn cầu và ở các quốc gia. WIPO cũng làm việc với các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các cá nhân để sử dụng SHTT cho phát triển kinh tế xã hội.

Hiện tại, WIPO quản lý 26 điều ước quốc tế liên quan đến nhiều vấn đề sở hữu trí tuệ, từ bảo hộ các tác phẩm nghe nhìn đến thiết lập phân loại sáng chế quốc tế.

WIPO cho phép các thành viên là một phần của Công ước Berne, Công ước Paris hoặc thành viên của hệ thống Liên hợp quốc,… gia nhập trở thành một phần của WIPO.

Qua đó, trong một Hội nghị ngoại giao được triệu tập vào tháng 12 năm 1996 tại Geneva, Thụy Sĩ, các đại biểu từ 160 quốc gia đã xem xét hai hiệp ước về luật sở hữu trí tuệ quốc tế là Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (WPPT) và Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT). Cuối cùng, các đại biểu đã thông qua các phiên bản mới của các hiệp ước được đề xuất, từ đó dẫn đến một cách tiếp cận mới đối với các vấn đề về bản quyền tại Mỹ và trên toàn thế giới.

Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT)

WCT cung cấp các biện pháp bảo vệ bổ sung cho bản quyền để đáp ứng với những tiến bộ của công nghệ thông tin kể từ khi các hiệp ước bản quyền trước đó được hình thành.

WCT nhấn mạnh bản chất sáng tạo của việc bảo vệ bản quyền, khẳng định tầm quan trọng của nó đối với những nỗ lực sáng tạo. Hiệp ước này đảm bảo rằng các chương trình máy tính được bảo vệ như các tác phẩm văn học và việc sắp xếp và lựa chọn tài liệu trong cơ sở dữ liệu được bảo vệ. Nó cung cấp cho các tác giả của tác phẩm quyền kiểm soát đối với việc cho thuê và phân phối tác phẩm của họ, điều mà họ có thể không có trong các điều khoản của Công ước Berne. Nó cũng nghiêm cấm sự gian lận thông qua các biện pháp công nghệ để bảo vệ các tác phẩm và sửa đổi trái phép thông tin quản lý quyền có trong các tác phẩm.

Dẫu vậy, ngôn ngữ trong Hiệp ước WIPO về quyền tác giả lại bị chỉ trích là quá rộng và không chặt chẽ, gây trở ngại cho việc thực thi trong thực tế. Điển hình nhất là việc cấm các biện pháp bảo vệ kỹ thuật ngay cả khi hành vi gian lận đó được sử dụng nhằm bảo vệ quyền của chủ sở hữu và truy bắt những cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền.

Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (WPPT)

Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (WPPT) được thông qua với mục tiêu phát triển và duy trì việc bảo vệ quyền của người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm theo cách hiệu quả và thống nhất nhất có thể.

Lịch sử Luật Bản Quyền của Mỹ (Phần 3)

Hiệp ước này sẽ không làm ảnh hưởng đến các điều ước khác của các quốc gia thành viên như Công ước Quốc tế về Bảo hộ Người biểu diễn (International Convention for the Protection of Performers), Nhà sản xuất Bản ghi âm và Truyền hình (Producers of Phonograms and Broadcasting Organizations). Điều 18 và 19 của WPPT quy định các nghĩa vụ tương tự đối với người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm đối với các quốc gia ký kết theo quy định tại Điều 11 và 12 của WCT.

1998: Đạo luật Gia hạn Thời hạn Bảo hộ Bản quyền

Vào ngày 7 tháng 10 năm 1998, Hạ viện và Thượng viện đã thông qua Đạo luật Gia hạn Thời hạn Bảo hộ Bản quyền (CTEA), còn được biết đến như Đạo luật gia hạn thời hạn bản quyền Sonny Bono, Đạo luật Sonny Bono hoặc ‘Đạo luật bảo vệ chuột Mickey’.

Theo đó, thời hạn bảo hộ bản quyền đối với các tác phẩm sẽ được mở rộng từ hết vòng đời của tác giả cộng thêm 50 năm (50 năm sau khi tác giả chết) đến hết vòng đời của tác giả cộng thêm 70 năm (70 năm sau khi tác giả chết).

Tổng thống Clinton đã ký bản dự luật thành luật vào ngày 27 tháng 10 năm 1998. Các quy định của luật áp dụng cho các tác phẩm có bản quyền vào ngày thi hành. Một ngoại lệ của luật này là các thư viện, kho lưu trữ,… Theo đó, các thư viện, kho lưu trữ và các tổ chức giáo dục phi lợi nhuận sẽ có quyền xử lý các tác phẩm có bản quyền trong 20 năm bảo vệ cuối cùng của tác phẩm như thể chúng thuộc phạm vi công cộng cho các mục đích phi thương mại với một số điều kiện hạn chế nhất định.

1998: Đạo luật Bản quyền Thiên niên kỷ Kỹ thuật số

Đạo luật Bản quyền Thiên niên kỷ Kỹ thuật số (DMCA) được hiểu là luật bảo vệ bản quyền tác giả.

Tổng thống Clinton đã ký Đạo luật Bản quyền Thiên niên kỷ Kỹ thuật số thành luật vào ngày 28 tháng 10 năm 1998. Đạo luật này thiết lập bến cảng an toàn cho các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến, bảo vệ bản quyền của tất cả các sản phẩm công nghệ. Đồng thời, luật cũng quy định rõ về hình thức xử lý những hành vi vi phạm bản quyền bao gồm bẻ khóa (crack), kinh doanh các sản phẩm công nghệ trái phép.

Cụ thể, DMCA đã hình sự hóa sản xuất và phổ biến công nghệ, thiết bị hoặc dịch vụ nhằm phá vỡ các biện pháp kiểm soát truy cập vào các tác phẩm có bản quyền (thường được biết đến như quản lý quyền kỹ thuật số, DRM). Đạo luật cũng hình sự hóa hành vi phá vỡ sự kiểm soát truy cập cho dù có vi phạm bản quyền thực sự hay không. Ngoài ra, DMCA cũng nâng cao hình phạt cho hành vi vi phạm bản quyền trên Internet.