Năm 2019, Tòa án tối cao Hoa Kỳ từng ra phán quyết rằng Hoa Kỳ sẽ không cấm việc cấp chứng nhận đăng ký cho các nhãn hiệu có từ ngữ mang nghĩa chửi thề, bậy bạ, mất thuần phong mĩ tục ở mức độ nhất định do quyền tự do ngôn luận – quyền cơ bản của mỗi người dân Mỹ trong phạm vi phù hợp.
Tự do ngôn luận
Quyền tự do ngôn luận là quyền cơ bản và thiết yếu được công nhận trong nhiều hệ thống chính trị dựa trên quyền tự do dân chủ. Nó cho phép mọi người tự do diễn đạt ý kiến, tư duy, ý tưởng và thông tin một cách công khai mà không bị kiểm duyệt, hạn chế hoặc truy cản từ phía chính quyền hoặc những người khác.
Quyền tự do ngôn luận được đảm bảo trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế và quốc gia, bao gồm trong Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc và trong các hiến pháp của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận cũng có thể bị hạn chế trong một số trường hợp, chẳng hạn như vi phạm quyền riêng tư, an ninh quốc gia, hoặc gây hiểm họa đến sự an toàn công cộng.
Quyền tự do ngôn luận phản ánh trong khả năng đăng ký nhãn hiệu tại Hoa Kỳ
Trước năm 2019, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một bên đăng ký bị từ chối một đơn đăng ký có các từ ngữ bạo lực, bậy bạ, mất thuần phong mĩ tục, xâm phạm đạo đức cơ bản của con người. Điều này là bởi vì Đạo luật Lanham – đạo luật nhãn hiệu chính của Mỹ – cho phép chính phủ từ chối các đơn đăng ký nhãn hiệu mà họ cho là “tai tiếng” hoặc “vô đạo đức”.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã quyết định vào năm 2019 rằng điều này vi phạm quyền tự do ngôn luận. Theo đó, từ 2019 trở đi, các bên đăng ký sẽ không hoàn toàn đối diện với tỉ lệ đăng ký 0% nữa mà sẽ có tỉ lệ nhất định, dựa trên từng nhãn hiệu cụ thể và phạm vi trái thuần phong mĩ tục của nhãn hiệu.
Đơn cử, một vụ phản đối quyết định từ chối của nữ ca sĩ nổi tiếng Lizzo (tên thật Melissa Viviane Jefferson) cho nhãn hiệu ‘100% That B**tch’ (không có dấu **) đã dấy lên nhiều xôn xao trong xã hội.
Cảm thấy rằng việc bị từ chối là không đúng theo quyết định của Tòa án tối cao năm 2019, nữ ca sĩ đã kháng cáo vụ việc của mình lên Hội đồng xét xử và kháng cáo nhãn hiệu (TTAB). Theo đó, tháng 2 năm 2023, TTAB đã xem xét xong hồ sơ và quyết định đứng về phía Lizzo bằng cách đảo ngược quyết định từ chối đăng ký của bên thẩm định nhãn hiệu ban đầu.
Theo quan điểm của TTAB, trong khi cụm từ “100% That B**ch” thường được sử dụng trong cộng đồng thì việc sử dụng nó thường ám chỉ Lizzo. Bản thân ca sĩ không tự tạo ra cụm từ đó, nhưng cũng đúng là nhiều nghệ sĩ không phải là người tạo ra mọi cụm từ mà họ được biết đến qua đó.
Thông thường, việc họ được gắn liền với hình ảnh, cụm từ nào đó vì người hâm mộ, cộng đồng nhận định, qua đó thể hiện rằng họ và yếu tố nhãn hiệu đó đạt được nhận thức của cộng đồng.
Vì những lý do này, TTAB cảm thấy rằng cụm từ này có chức năng như một nhãn hiệu cho nhạc sĩ.
Nhờ quyết định của TTAB, Lizzo đã đạt được quyền sở hữu đối với nhãn hiệu. Đơn đăng ký của cô ấy đã được nộp cho Nhóm 25 và điều này có nghĩa là việc cô ấy sử dụng cụm từ này trên các mặt hàng quần áo sẽ được bảo vệ. Dẫu vậy, việc mở rộng nhóm sản phẩm là có khả thi.