Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 2576/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00116 cho sản phẩm cua Cà Mau với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
Từ xưa đến nay, Cà Mau đã nổi tiếng là một trong những tỉnh thành ở Việt Nam có ngành thủy sản phát triển mạnh, đặc biệt là về cua biển.
Cua biển Cà Mau đã trở thành một loại đặc sản của mảnh đất Đồng bằng sông Cửu Long này. Không giống như các loại cua khác, cua biển Cà Mau có hương vị rất riêng với độ ngọt, thơm tự nhiên. Để tạo nên hương vị độc đáo này, cua Cà Mau được nuôi theo hình thức quảng canh trong hệ sinh thái mặn lợ, giàu nguồn thức ăn.
Môi trường và phương pháp chăn nuôi hiệu quả cao đã tạo nên các con cu angon lành có chất lượng tốt, chắc thịt, vị ngọt đậm, thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao.
Thương gia từ khắp mọi miền Tổ Quốc và thậm chí là nước ngoài đều đến tận nơi nuôi trồng để tranh nhau mua các mẻ cua Cà Mau được bán ra thị trường với giá cả cạnh tranh. Được biết, Trung Quốc là thị trường trọng điểm để xuất khẩu loại cua này.
Cua Cà Mau được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Cua biển Cà Mau có màu sậm, vỏ cứng, chắc và có hình thức không được đẹp như các loại cua khác. Tuy nhiên, điểm nổi bật bù đắp về mặt hình thức cho loại cua biển Cà Mau này chính là hương vị rất thơm, ngọt thanh tự nhiên, thịt săn chắc mà không một loại cua nào có thể so sánh.
Tùy thuộc vào kích thước, đặc điểm, cân nặng, hình thái bên ngoài mà người ra chia cua biển Cà Mau ra thành nhiều loại như: Cua cốm, cua sô, cua gạch, cua yếm vuông, cua y,…
Thịt cua Cà Mau chứa hàm lượng vitamin A, B, B1, B2, PP, Protein, kali, magie, sắt, calcium,… cao. Vậy nên loài hải sản này dù có giá thành cao nhưng vẫn được rất nhiều người ưa chuộng và sử dụng.
Cua Cà Mau không thể được nuôi trồng ở bất kì khu vực địa lý nào khác ngoài Cà Mau. Dù mang giống cua này nuôi trồng ở những nơi khác nhưng khi không có các yếu tố địa lý đặc trưng ở tỉnh Cà Mau như nhiệt độ, độ pH trong nước, độ mặn,…, các loại cua được sinh ra sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn của cua Cà Mau.
Ngoài các điều kiện tự nhiên, kỹ năng nuôi trồng và sản xuất cua của người dân tại Cà Mau cũng đóng góp lớn đến chất lượng của cua Cà Mau được sản xuất ra. Ao nuôi có bờ bao chắc chắn, không bị rò rỉ, độ cao bờ bao phải đảm bảo cao hơn mực nước cao nhất trong năm từ 0,5 – 0,8m trở lên, có đường cấp và thoát nước. Môi trường nước luôn được đảm bảo có độ mặn: 15 – 25‰; độ pH: 7,5 – 8,5; nhiệt độ nước: 28 – 32oC; độ kiềm: 80 – 160 mg/l; Oxy hoà tan: > 4 mg/l; độ trong: 30 – 40 cm. Nước có màu nâu nhạt hoặc xanh vỏ đậu. Ngoài ra, người dân còn nạo vét bùn đáy sau 2-3 vụ nuôi để cải tạo, giải phóng độ phì của đất.
Theo đó, điều kiện tự nhiên và yếu tố con người vừa đủ chính là điều tạo nên loài cua Cà Mau đặc trưng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế. Theo đó, để bảo hộ cho giống cua Cà Mau này, đại diện của các tổ chức, cá nhân sản xuất cua Cà Mau tại các xã, phường và thị trấn thuộc tỉnh Cà Mau đã nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý và thành công đăng ký chỉ dẫn địa lý cho giống cua xanh Cà Mau với tên khoa học là Scylla paramamosain được khai thác tự nhiên hoặc sinh sản nhân tạo tại các trại sản xuất cua giống trong tỉnh Cà Mau.
(Theo Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế)