Cục Sở hữu trí tuệ vào ngày 10 tháng 11 năm 2022 đã ban hành Quyết định số 5372/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00125 “Gia Lai” cho sản phẩm cà phê, được quản lý bởi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai.

Gia Lai là vùng đất lâu đời nổi tiếng với ngành trồng cà phê. Từ những năm đầu của thế kỉ 20, khu vực này đã bắt đầu trồng cà phê do điều kiện địa lý phù hợp có khả năng cho ra những hạt cà phê chất lượng cao với hương vị độc đáo.

Cà phê Gia Lai có nhiều loại sản phẩm, bao gồm cả cà phê nhân và các dạng sản phẩm chế biến như cà phê hạt rang và cà phê bột.

Cà phê hạt rang Gia Lai

Cà phê nhân Gia Lai có hạt đồng đều, mùi thơm thoảng nhẹ, lưu hương lâu (giống mùi đậu phộng tươi), vị ngậy, hơi béo, không đắng, ngọt có hậu; Chiều dài hạt (mm): 8,05 – 9,41; Chiều rộng hạt (mm): 5,77 – 6,62; Tỷ lệ hạt khuyết tật (%): 1,28 – 1,89; Độ ẩm (%): 5,57 – 11,94; Hàm lượng cafein (%): 1,98 – 2,60.

Cà phê hạt rang Gia Lai có màu nâu tươi bóng ướt, mùi thơm lừng, lan toả mạnh, lưu hương lâu; Chiều dài hạt (mm): 9,87 – 11,85; Chiều rộng hạt (mm): 6,84 – 7,82; Tỷ lệ hạt khuyết tật (%): 2,50 – 5,00; Độ ẩm (%): 0,95 – 2,10; Hàm lượng cafein (%): 2,00 – 2,56; Hàm lượng protein thô (%): 8,45 – 10,15.

Cà phê bột Gia Lai có trạng thái bột mịn, tơi xốp, màu nâu đỏ, màu nước chiết nâu cánh gián đậm, mùi thơm lừng lan toả mạnh, lưu hương lâu, vị đắng đậm đà, hơi chát, hậu vị ngọt lâu nơi cổ họng; Độ ẩm (%): 0,87 – 2,23; Hàm lượng cafein (%): 2,02 – 2,57; Hàm lượng protein thô (%): 8,46 – 10,15.

Khu vực sản xuất đặc thù

Gia Lai có địa lý độc đáo chính là yếu tố cốt lõi để tạo nên sản phẩm cà phê ‘Gia Lai’ độc đáo.

Độ dày tầng đất vùng cà phê Gia Lai lớn hơn 70 cm, quyết định đến việc tái tạo bề mặt địa hình bằng phẳng với độ dốc thấp từ 0-8O. Thành phần cấp hạt Sét trong đất chiếm tỉ lệ lớn (42,55 – 61,57%) và dung tích hấp thu CEC trong đất có giá trị ở mức trung bình (11,83-14,03 lđl/100g đất) là những yếu tố ảnh hưởng đến độ ẩm của hạt cà phê Gia Lai.

Ngoài ra, CEC trong đất có giá trị ở mức trung bình (11,83-14,03 lđl/100g) còn ảnh hưởng đến hàm lượng cafein trong hạt cà phê. Hàm lượng tổng số của các nguyên tố đa lượng: Đạm (0,18-0,23%), Lân (0,15-0,24%), Kali (0,03-0,15%) trong đất đều ở mức khá, đây là những nguyên tố quyết định đến hàm lượng protein thô của cà phê.

Khu vực địa lý có điều kiện khí hậu lý tưởng cho cây cà phê phát triển với chế độ nhiệt ổn định, không có tháng nào trong năm có nhiệt độ trung bình lớn hơn 26 độ C và nhỏ hơn 20 độ C, không có gió mùa đông Bắc, không có hiện tượng sương muối xảy ra thuận lợi cho cây cà phê sinh trưởng ra hoa kết trái.

Từ tháng 4 đến tháng 9 khi cà phê Gia Lai bước vào giai đoạn hình thành quả và tích luỹ chất khô, gluxit và tinh dầu, nhiệt độ giao động từ 22,3-24,8 độ C, biên độ nhiệt ngày và đêm từ 5-10 độ C.

Tổng lượng mưa tại khu vực địa lý lớn (2.000 – 2.400 mm/năm). Tuy nhiên, khu vực địa lý lại có thời gian khô hạn 5 tháng từ đầu tháng 11 đến đầu tháng 4 năm sau với tổng lượng mưa thấp (150 – 200 mm), tháng 1 và tháng 2 hầu như không có mưa.

Khi kết thúc nở hoa cuối tháng 3 đầu tháng 4, quả tăng nhanh về thể tích trọng lượng khô cần có lượng nước đủ cho cây hút nước giúp các khoang chứa hạt phát triển tối đa, giai đoạn này rơi vào khoảng tháng 5 và 6, lúc này vùng cà phê Gia Lai đã có mưa đều, lượng mưa tăng cao vào các tháng 6,7,8 với tổng lượng mưa là (1.700mm) và giảm dần vào tháng 9, kết thúc vào tháng 10 với tổng lượng mưa là (500mm). Đây là yếu tố quyết định đến kích thước hạt cà phê Gia Lai.

Độ ẩm không khí là yếu tố quyết định đến hàm lượng protein thô và hàm lượng cafein của cà phê Gia Lai. Từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 12 độ ẩm không khí giảm mạnh chỉ còn khoảng 72-76.

Giống cà phê được sử dụng tại khu vực địa lý là giống Robusta.

Ngoài các đặc thù về điều kiện tự nhiên thì các đặc trưng về phương thức canh tác, sơ chế, chế biến, bảo quản của người dân bản địa tại Gia Lai cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng của cà phê Gia Lai, tạo ra hương vị, mùi vị đặc trưng của loại hạt này mà không nơi nào trên thế giới có thể tạo nên.

(Theo Cục Sở hữu trí tuệ)