Bản quyền là một trong những nội dung được quy định và bảo hộ trong Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tuy nhiên, bản quyền nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung vẫn là một khái niệm tương đối mơ hồ trong cộng đồng Việt. Ngay cả đến ngành giáo dục, một ngành nhằm hướng con người đến khai sáng tri thức, cũng là một trong những ngành vô tình “xúi giục” nạn vi phạm bản quyền.

Bản quyền và giáo dục

Những cuốn sách giáo trình được photocopy lại với bìa vàng, xanh dương, xanh cây, nội dung đen trắng có lẽ không xa lạ gì với bất cứ những ai đã, đang (và rất có thể là sẽ) theo học đại học. Những cuốn giáo trình photocopy này thường có giá thành rất rẻ so với bản gốc. Hầu hết các tiệm in ấn trong khuôn viên và gần trường học đều có ít nhất 1 đén 2 bản mềm scan các loại giáo trình này. Các sinh viên chỉ cần đặt ra yêu cầu, là các xưởng in sẵn sàng cho ra một bộ giáo trình “y như đúc”.

Tuy nhiên, ngày nay thực trạng buôn bán, in ấn cũng như tiêu thụ lậu như kể trên với trường học đã giảm một cách đáng kể. Đối với các em học sinh cấp 1 cho tới phổ thông trung học, nhà trường đều hết sức tạo điều kiện cho các em được tiếp cận với các cuốn sách giáo khoa đúng với giáo trình được sản xuất từ NXB Giáo Dục (hoặc của NXB khác phụ thuộc vào chương trình dạy). Các trường đại học cũng hạn chế việc lưu hành và in ấn các ấn phẩm vi phạm bản quyền. Các ấn phẩm in trong các hàng photocopy được giới hạn ở các giáo trình lưu hành nội bộ, để giảm thiểu tối đa rủi ro vi phạm bản quyền sách.

Thế nhưng giảm thiểu không có nghĩa là đã dập được vấn nạn bản quyền học đường.

Vấn nạn bản quyền học đường

Mới đây, Cảnh sát điều tra Bộ Công An đã bắt quả tang nhiều cơ sở in ấn, buôn bán sách lậu ở nhiều khu vực trong địa bàn thành phố Hà Nội. Những cơ sở này thậm chí còn liên quan tới đường dây sản xuất và buôn bán sách lậu vô cùng phưc tạp và công phu. Những cuốn sách lậu này thường có bìa cứng ngoài, rất khó phân biệt được nếu như trà trộn vào kệ sách thật. Chưa kể, một vài nhà sách có chủ trương giữ cho sách được đóng kín, chỉ có thể mở sau khi mua hàng; do đó, một khi sách lậu này trà trộn vào, thì sẽ để lại một hệ quả khôn lường.

Theo Bộ Công An, các cơ sở sản xuất này chỉ biết scan lại mà không hề cập nhật các phiên bản sách mới. Điều này dẫn đên các bản lậu thường có giấy kém, mực không đẹp, nội dụng sai tùm lum,… Đặc biệt hơn, các cơ sở bị bắt quả tang này còn làm lậu hàng loạt sách giáo khoa và các giáo trình của NXB Giáo Dục. Các tiệm in này thường đẩy cao giá bìa lên, nhưng thực chất chất lượng sách không hề đạt.

Hà Nội: Phụ huynh phát hiện “sách lậu” trà trộn vào trường học

Còn với vấn nạn ở các trường đại học, cao đẳng, các tiệm in sách ở đây còn chả cần tới tấm bìa “long lanh nữa”. Họ chỉ việc lôi bản scan ra và in.

Hệ lụy nghiêm trọng tới ngành giáo dục

Sách giả, sách lậu như là một hình thức dung túng cho hành vi vi phạm bản quyền. Lãnh đạo của các nhà xuất bản sách đều nhận định vấn nạn này cần phải chấm dứt dứt điểm. Tuy các cơ quan chức năng luôn liên tục gia tăng kiểm soát, ngăn chặn các hành vi buôn lậu sách này, song vấn nạn vẫn chưa hoàn toàn bị dẹp bỏ.

Một nguyên do cho vấn đề này có thể là do ý thức của người dùng với bản quyền chưa cao. Người dùng hiện vẫn coi những cuốn sách như một loại hàng hóa, hàng nào rẻ hơn thì tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, sách giáo khoa nói riêng và các loại sách nói chung, đều là các sản phẩm trí óc và sức sáng tạo của con người. Chúng ta luôn luôn phải đề cao, tôn trọng công sức người tác giả, ban biên tập bỏ ra để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Giải pháp cho vấn nạn bản quyền với giáo dục

Sự xuất hiện của thư viện cũng trở thành một cái gánh vô cùng lớn cho nạn sách lậu học đường. Đặc biệt là với các thư viện riêng của trường học. Nơi đây, các sinh viên và học sinh có thể được tham khảo các sách nhập từ nguồn hợp pháp. Bên cạnh đó, các nhà sách cũng là một nguồn sách lớn cho các em học sinh sinh viên.

Các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp nặng hơn để trừng trị hành vi này. Hiện tại mức xử phạt mới chỉ ở ngưỡng phạt hành chính; như vậy liệu có đủ cho việc xâm phạm bản quyền tri thức dân trí hay không?

Về mặt truyền thông, báo chí cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa về giá trị thực sự của bản quyền, tác dụng và ý nghĩa của nó. Ngành giáo dục cũng nên có bộ môn sở hữu trí tuệ để có thể dẫn dắt mầm non tương lai hiểu biết về sở hữu trí tuệ. Nêu có sự nâng cao ý thức từ người dùng, sách lậu ắt sẽ không thể phát triển. Bởi lẽ “còn cầu thì còn cung”.