Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nhìn thấy những chiếc xe ô tô “mui trần” mini ở trong các khu vui chơi giải trí, hay trên phố đi bộ Hồ Gươm vào những ngày T7 CN mát mẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết loại xe đó gọi là gì và ta chỉ thường ví nó như những chiếc ‘xe trẻ con’. Trên thực tế, loại xe này có một tên gọi riêng là Go-Kart và hầu hết người sử dụng loại xe này lại là người lớn, không phải trẻ con.

Một thanh niên bẻ lái tốc độ cao trên con xe Go-Kart. Ảnh: polepositionraceway

Go-Kart

Go-Kart là dạng xe trần có bốn bánh. Loại xe này thường được chạy trên những mô hình đường đua thu nhỏ. Hiện tại, các loại xe Go-Kart được phân loại dựa trên cấu tạo với sự chênh lệch về tốc độ. Cụ thể, Go-Kart có thể được chia làm 3 loại: Loại xe Kart không có hộp số, loại xe Kart có hộp số, loại xe Superkart.

Hầu hết các cuộc đua xe Go-Kart thường được tổ chức ngoài trời, với những trường đua xe mini trên các con đường đất hoặc rải nhựa đường. Đường chạy chủ yếu bao gồm hai đường thẳng và bốn góc rẽ trái, một số đường là đối xứng và thường có hình dạng tương đương với hình quả trứng hoặc hình bầu dục.

Lịch sử phát triển của Go-Kart

Ban đầu, chiếc Go-Kart đầu tiên được tạo ra ở Los Angeles bởi Art Ingels vào năm 1956. Cuộc đua chính thức đầu tiên với hàng chục chiếc xe tự chế Go-Kart được tổ chức vào năm 1957 tại bãi đậu xe của Rose Bowl nổi tiếng ở Pasadena, California.

Tính đến bây giờ, người ta ước tính rằng từ đó đến nay đã có hơn 1,6 tỷ người trên toàn thế giới trải nghiệm xe Go-Kart. Hiện tại, hình thức đua xe Go-Kart vẫn được chú trọng đầu tư và nghiên cứu phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Go-Kart Mario lên tòa

Dẫu rằng Go-Kart đã phát triển vượt bậc và trở nên ngày càng nổi tiếng trong những năm gần đây, chính một vụ kiện giữa Nintendo với MariCar mới là điều khiến cho Go-Kart thật sự được nhiều người biết đến.

Nhiều người đến thăm Tokyo với mong muốn được nhìn thấy thành phố tạo nên bởi anime và các nhân vật truyện tranh yêu thích của mình. Tất nhiên điều này là không hiện thực. Dẫu vậy, khi dạo bước trên các con phố của Tokyo, ta đôi khi cũng có thể nhìn thấy vài bộ cosplay của  Doremon, Sword Art Online, hay các chú Mario đua xe giữa đường phố nhộn nhịp của Tokyo. Tuy nhiên, giờ đây ta sẽ phải vĩnh viễn tạm biệt các chú Mario nhí nhảnh này vì một vụ kiện vi phạm bản quyền.

Vụ kiện giữa Nintendo và MariCar

Vào năm 2017, Nintendo đã kiện MariCar vì vi phạm sở hữu trí tuệ. Vào thời điểm đó, Nintendo muốn MariCar bồi thường thiệt hại 10 triệu yên (khoảng 90,000 USD). Trong thời gian chờ đợi, công ty tiếp tục hoạt động bằng cách đổi tên MariCar thành Street Kart và đăng tuyên bố từ chối chịu trách nhiệm với lí do rằng họ không có liên kết với Nintendo. Street Kart sau đó cũng loại bỏ các trang phục theo chủ đề Nintendo khỏi tủ quần áo của mình, thay vào đó họ tập trung vào động vật và siêu anh hùng.

Sau ba năm kiện tụng, Tòa án tối cao Nhật Bản cuối cùng đã đưa ra phán quyết có lợi cho Nintendo về vụ tranh chấp với Street Kart (trước đây có tên là MariCar). Tháng 1 năm 2020, Tòa án quyết định rằng Street Kart phải bồi thường 50 triệu yên cho Nintendo.

Street Kart sau đó đã kháng cáo lên Tòa án tối cao. Một tuyên bố trên trang web của MariCar cho rằng hoạt động kinh doanh của họ “tuyệt không hề phản ánh trò chơi Mario Kart”. Theo Street Kart, có vẻ như việc lái xe trong một chiếc xe Go-Kart, mặc quần yếm màu xanh và đội mũ đỏ có chữ “M” hoàn toàn không liên quan đến trò Mario Kart. Lý luận đó không đủ thuyết phục cho Nintendo hoặc cho Tòa án quận Tokyo, cuối cùng Tòa đã bác bỏ yêu cầu của Street Kart, giữ nguyên tuyên án trước đó.

Tạm biệt các ‘chú’ Mario trên phố Tokyo. Ảnh: youtube

Ý kiến chuyên gia

Aki Ryuka, chủ tịch của Công ty Luật Sở hữu trí tuệ Ryuka ở Tokyo cho biết: “Thời gian trung bình để xử lý các thủ tục pháp lý tại tòa án cấp cao về SHTT ở Nhật Bản là từ sáu đến tám tháng. Tùy thuộc vào mức độ phức tạp của vụ việc và quá trình thương lượng. Một vụ kiện tụng kéo dài hơn hai năm không phải là chuyện bất thường.”

Ông Ryuka cũng cho biết thêm: “50 triệu yên có thể có tác dụng răn đe, bởi vì hầu hết các hình phạt do tòa án cấp cao IP đưa ra dao động trong khoảng từ 10 đến 50 triệu yên. Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác như thiện chí kinh doanh sẽ có thể có ảnh hưởng đến quyết định của Tòa.”

-Monster Hunter-