Bài Uno Card giờ là một trò chơi bài nổi tiếng toàn cầu được vô vàn lứa tuổi yêu mến. Do đó, một lượng lớn hàng giả, hàng nhái đã được nhiều tổ chức/cá nhân sản xuất và vận chuyển trái phép vượt biên để buôn bán kiếm lời. Mới đây, cục Hải Quan và Biên phòng Hoa Kỳ ở Neward, New Jersey đã chặn một lô hàng bài Uno nhập lậu trị giá 1.3 triệu USD có xuất xứ từ Trung Quốc.

Uno – Nguồn gốc của Uno Card  

Uno là một trò chơi bài đặc biệt của Mỹ. Trò chơi được lấy cảm hứng từ trò chơi bài Crazy Eights. Trò chơi được ông Merle Robbins cư trú tại thành phố Reading, vùng ngoại ô của Cincinnati, bang Ohio phát triển vào năm 1971 để giải quyết một cuộc tranh cãi với con trai về trò chơi Crazy Eights. Sau đó, khi mọi người xung quanh bắt đầu quen và chơi Uno thường xuyên hơn, Robbins và gia đình đã chi 8.000 đô-la Mỹ để sản xuất 5.000 bộ bài Uno tương tự và bán cho cộng đồng ở tiệm cắt tóc và trường học.

Un, Card Game, Cards, Socializing, Color, Wooden Table
Trò chơi thẻ bài Uno ra đời. Ảnh: pixabay

Năm 1972, Robbins bán quyền sở hữu của bài UNO cho một nhóm bạn do Robert Tezak dẫn đầu với giá 50.000 đô-la Mỹ cộng thêm tiền bản quyền tác giả là 10 xu cho mỗi ván chơi. Tezak thành lập tập đoàn International Games, Inc., để bán UNO ra thị trường. Trò chơi được sản xuất bởi Lewis Saltzman của công ty in ấn Saltzman Printers ở Maywood, Illinois. Năm 1992, International Games trở thành một công ty con thuộc Mattel. Ngày nay, trò chơi được sản xuất bởi gã khổng lồ đồ chơi Mattel tại 80 quốc gia và đã bán được 151 triệu bản trên toàn thế giới.

Buôn lậu bài Uno giả mạo

Cuối tháng 11 năm 2020, các nhân viên Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ đã kiểm tra một lô hàng đặc biệt đến từ Trung Quốc. Bên trong lô hàng có tổng cộng 141.112 bộ bài UNO, 9.600 quả bóng LOL Surprise! Under Wraps, cùng với 1.980 quả trứng nhựa LOL Surprise! Under Wraps. Sau đó, các nhân viên Hải quan gửi hình ảnh kỹ thuật số của lô hàng đồ chơi đến Trung tâm Kiểm định Chuyên môn của CBP – các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại của cơ quan này. Họ đã làm việc với các chủ sở hữu nhãn hiệu và xác định rằng số đồ chơi này là hàng hóa giả mạo.

CBP đã hoàn tất việc thu giữ vào ngày 9 tháng 12 năm 2020. Sau đó, các đặc vụ của Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa ở Newark tiếp tục điều tra về nguồn gốc hàng hóa và các thông tin liên quan.

Nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt trị giá 29 nghìn tỷ Yên. Trong đó có khoảng 400 tỷ Yên tiền giao dịch xuất nhập khẩu với Mỹ. Theo báo cáo của GAC, trong cùng kỳ có tổng cộng khoảng 49.000 lô hàng hóa bị nghi ngờ vi phạm đã bị bắt giữ, xấp xỉ 45,57 triệu đơn vị hàng hóa. Theo tính toán, lượng hàng hóa giả mạo có sự gia tăng lần lượt là 40% và 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ian Liu, một đối tác của Deacons ở Hồng Kông, cho biết: “Có thể thấy rằng lượng hàng hóa nhập qua các cảng biển của Trung Quốc là rất lớn. Mặc dù một số lượng đáng kể hàng giả đã bị cơ quan Hải quan Trung Quốc ngăn chặn và thu giữ, tuy nhiên trên thực tế đó chỉ là một phần nhỏ trong tổng lượng hàng hóa giả mạo được nhập khẩu và xuất khẩu qua biên giới.”

Ông Liu cũng cho biết thêm: “Trung Quốc là một trong những cường quốc sản xuất lớn trên thế giới. Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy quan hệ ngoại thương, Hải quan Trung Quốc có đủ thẩm quyền để tiến hành ngăn chặn hàng hóa bị nghi ngờ là hàng giả nhập khẩu cũng như xuất khẩu ra ngoài Trung Quốc.”

-Monster Hunter-