Nhật Bản chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn, đặc sản của tỉnh Bắc Giang. Đây lần đầu đầu tiên một sản phẩm của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Vải thiều Lục Ngạn được đánh giá cao tại thị trường Nhật Bản. Ảnh: baobacgiang

Vào ngày 12-3, Phòng Sở hữu trí tuệ, Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB) và Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Việc được được mang chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản sẽ giúp sản phẩm này có nhiều ưu thế trong quá trình cạnh tranh tại các thị trường khó tính, qua đó có thể mở rộng tiêu thụ và nâng cao uy tín của sản phẩm tại các thị trường có quy định nhập khẩu chặt chẽ như Nhật Bản.

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ dễ dàng có được niềm tin của người tiêu dùng, cũng như có giá bán cao hơn đáng kể so với sản phẩm không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Chính vì lý do trên, việc đạt được chỉ dẫn địa lý là thành tựu nổi bật với những nỗ lực đem vải thiều tới thị trường Nhật Bản, cũng như mang đến cơ hội được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm Việt khác tại các thị trường khắt khe như Nhật Bản.

Ưu điểm của vải thiều Lục Ngạn

Theo thông tin từ Cổng thông tin của Phòng Sở hữu trí tuệ, Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản, không chỉ các đặc tính của vải thiều Lục Ngạn được mô tả chi tiết, mà còn cả các đặc điểm địa lý đặc thù, quy trình canh tác vải cũng được chú ý như: kích cỡ của vải lớn hơn, vị ngọt đậm hơn so với các loại vải được thu hoạch tại các khu vực canh tác khác của Việt Nam: khối lượng của vải cũng lớn hơn ít nhất 10%, giá trị Brix (độ ngọt) trung bình của vải thiều Lục Ngạn cao hơn khoảng 2-3% so với vải được thu hoạch tại các khu vực canh tác khác của Việt Nam, và hàm lượng đường tổng trung bình cao hơn khoảng 2-5%.

Vải thiều Lục Ngạn có những đặc điểm nổi bật như quả lớn, vị ngọt đậm nhờ vào vị trí vùng trồng vải nằm ở vùng thung lũng của dãy núi Đông Triều, nơi được bảo vệ khỏi những trận mưa bão lớn, những người nông dân tại đây cũng có kinh nghiệm trong việc trồng vải với kỹ thuật canh tác hiệu quả như khoanh (siết) cành (cắt một khoanh vòng qua thân hoặc nhánh chính của cây) để kích thích ra hoa… 

Những thành tựu đáng kể

Kể từ năm 2017, vải thiều Lục Ngạn đã trở thành một trong ba sản phẩm nổi bật của Việt Nam (bên cạnh thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột) được chọn lựa để đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản với thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN Việt Nam) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông, Lâm & Ngư nghiệp Nhật Bản) để đem sản phẩm với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tới tay người tiêu dùng Nhật Bản.

“Chúng tôi đã cân nhắc, xem xét đến rất nhiều yếu tố về chất lượng, vùng nguyên liệu, độ ổn định… để chọn ra 3 sản phẩm này. Trong đó, chúng tôi đánh giá cao vải thiều Lục Ngạn về tính tiêu biểu, điển hình cho sản phẩm Việt Nam để bước chân sang Nhật Bản”, ông Lưu Đức Thanh, Giám đốc Trung tâm Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) chia sẻ trong một buổi thảo luận về tạo lập chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn do Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang tổ chức vào tháng 5/2020.

Trước đây, vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam vào năm 2008 (Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00015 được cấp theo Quyết định số 1012/QĐ-SHTT ngày 25/06/2008 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ), và cũng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu sau khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020.