Vào buổi tối ngày mùng 7/3, cuộc phỏng vấn với hơn 17 triệu người xem trên đài CBS giữa Hoàng tử Harry và Meghan Markle với nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey đã làm rung chuyển cả thế giới. Trong cuộc phỏng vấn, Meghan Markle đã nói về cuộc sống trong nhung lụa nhưng chất chứa đầy đau thương của cô và hoàng tử Harry. Và như thể để khiến cả thế giới phải chìm trong bàng hoàng, choáng váng, cô còn cáo buộc gia đình hoàng gia Anh về chuyện phân biệt chủng tộc và kì thị, đối xử khác biệt vì màu da. Tuy nhiên, đi kèm với scandal giữa các thành viên trong gia đình hoàng gia, hoàng tử Harry và Meghan Markle còn dính phải các scandal ‘gần gũi’ hơn với chúng ta nhiều: Tranh chấp nhãn hiệu. Và ai biết được, có lẽ chính các vụ lùm xùm nhãn hiệu, thương hiệu này là ‘cọng rơm cuối cùng’ khiến cho hoàng tử Harry và Meghan quyết tâm rời bỏ hoàng tộc?

Tổ chức phi lợi nhuận Archwell Foundation của Công tước và Nữ công tước xứ Sussex

Theo thông tin từ nhiều đài báo khác nhau, tổ chức phi lợi nhuận Archewell (Archewell Foundation) đã được cặp vợ chồng hoàng gia Harry và Meghan công bố tới công chúng kể từ tháng 4 năm 2020. Được biết, Harry và Meghan đã đặt tên cho thương hiệu ​​phi lợi nhuận của họ là “Archewell” nhằm mục đích vinh danh con trai cả của họ – Archie Harrison Mountbatten-Windsor sinh ngày 8 tháng 5 năm 2019.

Archewell Foundation. Ảnh: archewell

Đây là một tổ chức bảo trợ bao gồm một mạng lưới giáo dục đa phương tiện, một trang web phúc lợi, các nhóm hỗ trợ tinh thần cùng với chương trình tiếp cận tình nguyện và từ thiện của riêng cặp đôi. Theo nhiều nguồn tin, thương hiệu này được cho biết là đang có ý định nộp hoặc đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở nhiều quốc gia.

Nhãn hiệu Archewell không thuộc độc quyền của hoàng gia Anh

Dẫu rằng cặp đôi hoàng gia Harry và Meghan là người khiến cho cái tên Archewell nổi tiếng thế giới, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trước họ, chưa có ai từng nghĩ đến việc sử dụng nhãn hiệu này. Trên thế giới đã có nhiều cá nhân, tổ chức nộp đơn đăng ký cho nhãn hiệu Archewell trước cả cặp vợ chồng này. Trong đó, số lượng đơn đăng ký cho nhãn hiệu Archewell đặc biệt nhiều ở Philippines.

Ở Philippines, có 2 đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp bởi ông Victor Martin J. Soriano. Các đơn đăng ký cho nhãn hiệu Archewell này được nộp trước khi Harry và Meghan nộp đơn đăng ký của họ ở Philippines. Do Philippines là quốc gia theo hệ thống ‘First to File’ (thường được biết đến như Nguyên tắc Nộp đơn Đầu tiên) nên đơn đăng ký nhãn hiệu có thể bị từ chối nếu trước đó có đơn đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự có khả năng gây nhầm lẫn.

Vậy nên, do là người nộp sau nên cặp đôi hoàng gia sẽ gặp khó khăn, trở ngại rất lớn khi đăng ký nhãn hiệu Archewell của họ ở Philippines. Và như vậy, theo khái niệm ‘nếu muốn đăng ký thành công thì khiến cho đối thủ đăng ký thất bại’, cặp đôi hoàng gia đã lên kế hoạch nộp đơn phản đối nhãn hiệu của ông Soriano.

Cobblestone Lane LLC – đại diện pháp lý của Hoàng tử Harry và Meghan Markle cho biết họ có ý định phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu của ông Victor Martin J. Soriano (quốc tịch Philippines) cho nhãn hiệu “ARCHEWELL HARVATERA” trong nhóm mỹ phẩm và nước hoa được nộp vào ngày 8 tháng 7, 2020.

Tranh chấp nhãn hiệu ARCHEWELL

Vào tháng 11 năm 2020, một tháng sau khi nhãn hiệu của ông Soriano được IPOPHL xuất bản, nó đã bị phản đối. Người nộp đơn – ông Victor Soriano đã đăng hình ảnh của lá thư phản đối mà ông nhận được lên trên mạng xã hội. Bức ảnh đó xác nhận rằng đơn phản đối đã được nộp bởi Cobblestone Lane LLC – đại diện pháp lý của Hoàng tử Harry và Meghan Markle. Trong đó, pháp nhân yêu cầu “thêm thời gian” để công chứng và tìm kiếm các tài liệu liên quan tại Hoa Kỳ để gửi đến Philippines nhằm phản đối nhãn hiệu của ông Soriano.

Đơn xin gia hạn thời gian của Cobblestone Lane LLC

Trên Twitter, Soriano đã bày tỏ sự thất vọng của mình trước quy trình thủ tục pháp lý rườm rà, chậm chạp. Ông nói rằng cặp đôi hoàng gia “sẽ không nói chuyện với tôi”. Ngoài ra, ông còn cho biết thêm: “Tôi rất mù mờ về việc mở rộng của họ. Ít nhất tôi nên có một bản CC (Carbon Copy) để tôi có thể trả lời trung thực trực tiếp với họ. Tôi bị lạc trong biệt ngữ pháp lý của họ.”

Trên thực tế, ông Soriano không hề nản lòng trước các thách thức đến từ cặp đôi hoàng gia. Thậm chí, ông còn ‘phản công’ một cách mạnh mẽ hơn nhiều. Dựa theo cơ sở dữ liệu trực tuyến của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Philippines (IPO), chỉ một tháng sau khi nhận được thông báo về sự phản đối, ông Soriano lại nộp một đơn đăng ký nhãn hiệu mới tại IPOPHL cho nhãn hiệu “ARCHEWELL COSMETICS” trong nhóm mỹ phẩm vào ngày 24/12/2020.

Ý kiến chuyên gia

Theo cơ sở dữ liệu trực tuyến về IPO của Philippines, một cá nhân khác tên Gina Agnes D. Sarabia cũng đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ARCHEWELL trong nhóm đồ trang sức vào ngày 6 tháng 12 năm 2020. Ngoài ra, một người tên Antonio Firmeza cũng đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ARCHEWELL trong nhóm mỹ phẩm vào ngày 14 tháng 12 năm 2020. Cả 2 đơn đăng ký nhãn hiệu hiện vẫn đang trong tình trạng chờ xử lí. Điều cần lưu ý là cả Soriano và Firmeza đều có cùng địa chỉ ở Làng Legaspi, Thành phố Makati.

Susan Villanueva – Đối tác cấp cao và Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ tại Cruz Marcelo & Tenefrancia cho biết:

“Tất cả các đơn đăng ký do Sarabia, Firmeza và Soriano đệ trình đều sử dụng cùng một kiểu dáng và phông chữ – có vẻ là phông chữ Tavern S Bold – cho nhãn hiệu ARCHEWELL.”

Mặc dù vụ việc vẫn đang trong giai đoạn đầu, Villanueva nói rằng: “Kết quả của cuộc tranh chấp này có thể liên quan đến thực tế rằng đơn đăng ký của bên Philippines cho nhãn hiệu ARCHEWELL HARVATERA được nộp sớm hơn sẽ mang lại cho ông ta lợi thế lớn hơn khi giải quyết tranh chấp nhãn hiệu, bởi vì Philippines đã chuyển sang hệ thống đăng ký nhãn hiệu dựa theo Nguyên tắc Nộp đơn Đầu tiên (First to file). Trong đó, người nộp đơn có ngày nộp đơn sớm hơn có thể ngăn cản việc đăng ký đơn tiếp theo đối với nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức có khả năng gây nhầm lẫn.”

Tranh chấp thương hiệu Sussex Royal

Ngoài vụ tranh chấp nhãn hiệu với Phillippines kể trên, hoàng tử Harry và Megan cũng đã vướng phải nhiều scandal khác. Nghiêm trọng nhất phải kể đến vụ lùm xùm thương hiệu Sussex Royal vào năm 2020 (1 năm trước vụ tranh chấp nhãn hiệu Archewell). Theo nhiều nguồn tin, vụ tranh chấp này có thể là một trong những yếu tố chính dẫn đến việc Harry và Meghan tuyên bố rời khỏi gia đình hoàng gia.

Sussex Royal là thương hiệu nhận diện chính của Harry và Meghan trên các phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm các trang web, tài khoản Instagram và quỹ từ thiện của họ trong một khoảng thời gian dài trước đây.

Crown, Gold, Royal, Luxury, Golden, King, Decoration
Sussex Royal là thương hiệu hoàng gia

Các cố vấn của hai vợ chồng đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Sussex Royal lên Cơ quan Quản lý Sở hữu Trí tuệ Anh từ tháng 6 năm 2019 và quyền sở hữu được chuyển cho cặp đôi hoàng gia vào tháng 12 cùng năm. Được biết, hoàng tử Harry và Meghan dự định dùng thương hiệu Sussex Royal làm thương hiệu toàn cầu cho hàng loạt sản phẩm như quần áo, văn phòng phẩm,… hay dịch vụ của các “nhóm hỗ trợ tâm lý, tình cảm.”

Nữ hoàng vào cuộc

Tuy nhiên, khi nữ hoàng Elizabeth đệ nhị biết được ý định rời khỏi hoàng gia của cặp đôi Harry – Meghan, bà không hề ủng hộ hai người. Đứng dưới cương vị là người đứng đầu hoàng gia, nữ hoàng thậm chí còn lên tiếng chỉ trích và cấm Harry và Meghan sử dụng thương hiệu hoàng gia cho hoạt động của họ (dù vào thời điểm năm 2019 họ chỉ mới có ý định chứ chưa chính thức rời khỏi hoàng gia).

prince harry meghan markle queen elizabeth
Drama hoàng gia Anh. Ảnh: cafemom

Theo đó, vợ chồng Harry – Meghan không được sử dụng thương hiệu hoàng gia Sussex Royal cho mục đích thương mại. Đây được xem như là một đòn chí mạng giáng mạnh vào thương hiệu Sussex và cặp đôi hoàng gia, đặc biệt là khi họ đã chi một số tiền khổng lồ để xây dựng nên thương hiệu này. Giờ đây tất cả đã đổ sông đổ bể. Đôi vợ chồng trẻ buộc phải tìm kiếm và sử dụng tên thương hiệu khác cho hoạt động kinh doanh của họ, đặc biệt là khi họ không còn nhận được trợ cấp hoàng gia nữa. Cuối cùng họ đã thành lập nên thương hiệu Archewell, tuy nhiên, như đã nhắc đến bên trên, hành trình phát triển của thương hiệu này cũng không được thuận buồm xuôi gió cho lắm.

Công chúa – Hoàng tử đứng trước luật sở hữu trí tuệ thì cũng chỉ là dân thường

Hoàng tử, công chúa thì vẫn chỉ là dân thường như bất cứ ai trên thế giới khi phải đối mặt với luật sở hữu trí tuệ. Thậm chí, kể cả tổng thống Joe Biden, nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, thiên hoàng Naruhito,… thì vẫn phải tuân theo luật pháp. Ở xã hội văn minh thế kỉ 21 này, luật pháp là tối cao. Không cá nhân, tổ chức nào có quyền đứng trên luật pháp cả.

Như vậy, kể cả hoàng tử, công chúa thì cũng phải oằn mình, cúi người để đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu của mình. Điều đó cho ta thấy luật pháp, cụ thể là luật sở hữu trí tuệ có sức mạnh mạnh mẽ đến nhường nào. Một cá nhân đơn lẻ ở Philippines cũng có thể khiến cho đà phát triển thương hiệu của cặp đôi hoàng gia gặp trở ngại không thể vượt qua. Như vậy, để bảo vệ bản thân và nhãn hiệu, thương hiệu của mình, chủ sở hữu nhãn hiệu cần cấp tốc đi đăng ký nhãn hiệu, đăng ký thương hiệu để có thể an tâm rằng không một ai trên thế giới, kể cả hoàng tử, công chúa, tổng thống,… có thể gây khó dễ cho thương hiệu của mình.

-Huntress-