Từ lâu, trái Phật thủ của xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã nổi tiếng trên thị trường tiêu dùng bởi trái to, đẹp và chất lượng cao. Vào dịp tết, một trái Phật thủ có giá trị tới cả trăm ngàn đồng. Chính vì thế, để tránh tình trạng giả danh sản phẩm trên thị trường gây thiệt hại cho người tiêu dùng, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 7010/QĐ-UBND, cho phép sử dụng tên địa danh “Đắc Sở” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Phật thủ. Vậy nhãn hiệu tâp thể là gì? Đặc trưng của nhãn hiệu này là gì? Bài viết này sẽ giúp người đọc giải đáp những thắc mắc trên.

Nhãn hiệu tập thể là gì ?

Theo khoản 17 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khác không phải là thành viên của tổ chức đó.

Một số đặc trưng của nhãn hiệu tập thể

– Chủ tổ chức với tư cách là người sở hữu nhãn hiệu tập thể được hưởng quyền lợi tương tự giống với chủ sở hữu nhãn hiệu thông thường, đều có quyền sử dụng độc quyền nhãn hiệu trên cơ sở tôn trọng hàng hóa và dịch vụ đã đăng ký. Tuy nhiên, điều đặc biệt của nhãn hiệu tập thể ở chỗ, dù quyền sở hữu nhãn hiệu thuộc về tổ chức nhưng chỉ có thành viên tổ chức mới được quyền sử dụng nhãn lên hàng hóa của họ. Cũng vì thế, nhãn hiệu loại này chịu sự ảnh hưởng của các thành viên trong tổ chức, khi muốn thay đổi chủ thể sở hữu phải có sự đồng ý của các thành viên. Trong trường hợp chủ tổ chức sử dụng nhãn hiệu nhân danh tập thể thì nhãn hiệu đó không được coi là nhãn hiệu tập thể nữa mà là nhãn hiệu bình thường vì nó do một chủ thể sử dụng.

Như vậy, theo đặc trưng trên thì đối với nhãn hiệu tập thể Phật Thủ Đắc Sở, chỉ những thành viên trong Hội Sản xuất và Kinh doanh Phật thủ xã Đắc Sở mới có quyền để sử dụng nhãn hiệu trên vào mục đích kinh doanh. Thêm vào đó, nếu bản thân tổ chức này sử dụng nhãn hiệu nhân danh tập thể thì nhãn hiệu này sẽ không còn là nhãn hiệu tập thể nữa mà được coi là nhãn hiệu thông thường do một chủ sở hữu của tổ chức này sử dụng.

-Tổ chức tập thể sở hữu nhãn hiệu độc quyền trao cho các thành viên của mình quyền sử dụng nhãn hiệu với điều kiện họ phải tuân thủ các điều kiện được quy định trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Vậy nên, đối với nhãn hiệu tập thể Phật Thủ Đắc Sở, các thành viên trong tổ chức muốn được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu vào mục đích kinh doanh, họ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể ví dụ như tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc địa lý…

-Nhãn hiệu tập thể có thể là một phương thức có hiệu quả để cùng tiếp thị các sản phẩm của một nhóm các doanh nghiệp mà nếu thực hiện riêng lẻ sẽ gặp khó khăn hơn để các nhãn hiệu riêng lẻ của họ được người tiêu dùng thừa nhận và những người bán lẻ phân phối.

Lấy ví dụ một cách dễ hiểu, việc tiếp thị những trái Phật thủ với nhãn hiệu Phật Thủ Đắc Sở sẽ dễ dàng hơn so với việc tiếp thị những trái Phật thủ mà không có nhãn hiệu. Bởi lẽ, theo tâm lý người dùng thì mọi người sẽ an tâm hơn về chất lượng, xuất xứ và độ an toàn khi sử dụng những sản phẩm được gắn nhãn hiệu và đồng thời họ cũng tránh được việc sử dụng các sản phẩm giả danh.

Nhìn chung, nhờ có nhãn hiệu tập thể, những trái Phật thủ ở xã Đắc Thọ đã dần hình thành và gìn giữ được tên tuổi và tránh bị giả danh sản phẩm làm giảm uy tín trong tâm trí của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể này còn giúp nhãn hiệu Phật Thủ Đắc Thọ ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất, và niềm tin đối với người tiêu dùng. Nhìn xa hơn, có thể thấy rằng đối với một đất nước có nhiều làng nghề truyền thống và đặc sản địa phương như ở Việt Nam thì việc đăng ký nhãn hiệu tập thể là vô cùng cần thiết để bảo vệ giá trị sản phẩm cũng như phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hóa.