Ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt là một trong những ý kiến tiêu biểu tại Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt” do Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đoàn thanh niên Bộ Công Thương tổ chức vào chiều 22/3.

Trong bối cảnh thị trường, người tiêu dùng và cơ quan quản lý trong và ngoài nước ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, an toàn và và sự minh bạch của sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa thì câu chuyện nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam trong đó có vai trò của truy xuất nguồn gốc thời gian gần đây được nhắc đến nhiều hơn. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp bứt phá trong bối cảnh thị trường đầy biến động như hiện nay thì việc áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và toàn bộ chuỗi cung ứng được xem là chìa khoá.

Mục tiêu của Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt”  là phổ biến, nâng cao nhận thức của các Đoàn viên thanh niên, Hợp tác xã, doanh nghiệp trẻ về vai trò của truy xuất nguồn gốc nâng cao giá trị và định vị thương hiệu sản phẩm nông sản; Ứng dụng nền tảng số trong quản lý lưu thông, tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường nước ngoài; Hướng đến thống nhất áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Truy xuất nguồn gốc chính là nền tảng cho việc sản xuất, lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế 4.0

Trong nền kinh tế 4.0, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, thông tin về sản phẩm hàng hoá từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ đều được theo dõi đến từng bước nhỏ. Nguồn thông tin này có thể được dùng vào rất nhiều việc trong đó có việc tối ưu hoá quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, dự báo, tuân thủ quy định xuất nhập khẩu … Nói một cách khác, truy xuất nguồn gốc chính là nền tảng cho việc sản xuất, lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế 4.0.

Ứng dụng nền tảng số được xác định là một trong những khâu đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo thứ trưởng Lê Xuân Định, chúng ta đang đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động bởi đại dịch COVID-19. Chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh được xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, hồi phục sau đại dịch và phát triển.

Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh rằng, việc truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng. Đồng thời góp phần gia tăng giá trị của nông sản của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng.

Ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I – Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ về vai trò của truy xuất nguồn gốc trong nâng cao giá trị nông sản Việt xuất khẩu – câu chuyện quản lý, duy trì và giám sát mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quản lý được những loài dịch hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu theo yêu cầu nhập khẩu của các nước.

Ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt (Ảnh: Nhật Minh)

Ông Thành cho biết, kiểm soát được việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản xuất khẩu sẽ giúp nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam vào thị trường có giá trị cao để việc đàm phán mở cửa hàng nông sản vào các thị trường khác được thuận lợi. Qua đó, các cơ quan khác tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được thuận lợi.

Ông Bùi Bá Chính, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và công nghệ cũng khẳng định tại hội thảo rằng, truy xuất nguồn gốc những năm gần đây đã từng bước góp phần chuyển đổi số trên thực tế doanh nghiệp, hỗ trợ quản trị nội bộ nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo cơ sở dữ liệu được cập nhật và bổ sung theo thời gian thực, giúp thống kê báo cáo chính xác phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng và thực thi chiến lược, chính sách, kế hoạch. Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc còn giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.