Sự bất đồng về việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vắc xin COVID-19 vẫn chưa được giải quyết ở các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhiều nước cho rằng một thỏa thuận như vậy chỉ có thể đạt được khi một số nước có “thỏa hiệp thực sự”.

Cuộc thảo luận giữa các thành viên WTO về vấn đề này trong hai ngày 13/10 và 14/10 vừa qua tại Geneva (Thụy Sĩ) mang tính xây dựng hơn sau nhiều tháng bất đồng, nhưng vẫn chưa thể đi đến thống nhất chung.

Sự phản đối gay gắt của các “ông lớn” ngành dược trong về bản quyền vắc xin COVID-19

Theo Tổng Giám đốc WTO, Ngozi Okonjo-Iweala, các cuộc đàm phán về việc từ bỏ bản quyền đối với vaccine ngừa COVID-19 đã “bế tắc”, nhưng các cuộc tham vấn không chính thức vẫn đang tiếp tục. Bà bày tỏ tin tưởng các bên có thể sớm tìm được tiếng nói chung. Dự kiến cuộc họp chính thức tiếp theo sẽ diễn ra ngày 26/10 tới.

Một quan chức WTO cho biết đã có những dấu hiệu đáng khích lệ. Nam Phi đề nghị các thành viên WTO có sự lựa chọn cụ thể, hoặc tạm đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19 để thu hẹp khoảng cách về tỉ lệ tiêm chủng trên thế giới hoặc theo cách thức của Liên minh châu Âu (EU), đó là linh hoạt trong các quy tắc để giải quyết vấn đề cung cấp vắc xin mà không cần từ bỏ bằng sáng chế.

Tổ chức Thương mại thế giới vẫn bất đồng về bản quyền vắc xin COVID-19

Nhằm thúc đẩy sản xuất và khắc phục tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin giữa các nước, Nam Phi và Ấn Độ đã kêu gọi tạm thời dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19. Ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của các “ông lớn” ngành dược và các quốc gia sở tại của họ với lập luận rằng bằng sáng chế không phải là rào cản chính đối với việc mở rộng quy mô sản xuất, và cảnh báo động thái này có thể cản trở sự đổi mới. Áp lực đang gia tăng khi chỉ còn vài tuần nữa là đến hội nghị cấp bộ trưởng WTO lần thứ 12, diễn ra từ ngày 30-11 đến ngày 3-12. WTO hoạt động theo sự đồng thuận, yêu cầu tất cả 164 quốc gia thành viên phải đồng ý với mọi thỏa thuận.

Bên cạnh đó, trong khi hàng tỉ người vẫn chưa được tiêm mũi đầu tiên thì nhiều nước giàu hiện đang xem xét triển khai liều vắc xin thứ ba. Theo thống kê cho thấy tỉ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 trung bình ở các nước giàu cao hơn 30 lần so với ở các nước nghèo.

Tổng giám đốc WTO nhấn mạnh tỉ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 thấp đang “tàn phá cuộc sống và sinh kế của người châu Phi”, và đây là điều “không thể chấp nhận được về mặt đạo đức”.