Nhằm tránh việc sửa đổi, bổ sung đơn và các thủ tục liên quan đến việc đăng ký nhãn hiệu diễn ra một cách không nhất quán, đồng bộ, gây khó khăn cho hệ thống quản lí, mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ban hành Thông báo số 10869/TB-SHTT ngày 18/11/2021 về việc thống nhất áp dụng một số quy định về sửa đổi, bổ sung đơn và tình tiết mới trong thủ tục xác lập quyền đối với nhãn hiệu.
Theo đó, kể từ ngày ký ban hành Thông báo số 10869/TB-SHTT ngày 18/11/2021 và đối với cả những thủ tục được yêu cầu trước ngày ký Thông báo này mà chưa có quyết định cuối cùng, các cá nhân, tổ chức tiến hành nộp đơn đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam phải đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu sau:
Yêu cầu về sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký nhãn hiệu
Theo Thông báo số 10869/TB-SHTT, Bất kì thay đổi nào được yêu cầu về mẫu nhãn hiệu hoặc danh mục hàng hóa, dịch vụ trong đơn đăng ký nhãn hiệu, tính cả việc loại bỏ/giới hạn danh mục hàng hóa, dịch vụ, đều sẽ được xem là hành động sửa đổi, bổ sung đơn. Qua đó, các thủ tục trên phải được thực hiện đúng theo nội dung quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 115 của Luật Sở hữu trí tuệ và điểm 17.1 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN (Trừ trường hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác):
- Việc sửa đổi, bổ sung được thực hiện trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ quy định tại điểm 17.1.a Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;
- Bên yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải nộp phí và lệ phí;
- Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký không được mở rộng phạm vi đối tượng đã nêu trong đơn và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký. Ngoài ra, việc sửa đổi cũng phải được thực hiện trên tinh thần đảm bảo tính thống nhất của đơn.
Yêu cầu về tình tiết mới
Theo thông báo, trong trường hợp bên nộp đơn thực hiện các thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký nhãn hiệu sau khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ thì các sửa đổi, bổ sung đó không được coi là tình tiết mới.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, các sửa đổi, bổ sung và tình tiết mới sẽ không thuộc phạm vi giải quyết khiếu nại và không được chấp nhận trong quá trình giải quyết khiếu nại.