Mới đây, diễn viên Quốc Thuận có dịp chia sẻ về thực trạng bản quyền thị trường phim trong buổi tham dự lễ ra mắt sàn thương mại điện tử giao dịch nội dung có bản quyền đầu tiên tại Việt Nam – Content.E.

Khi bàn luận về đề cập đến thực trạng bản quyền ở Việt Nam cùng với dàn khách mời tại buổi hội thảo, Quốc Thuận trăn trở, cái khó khăn không nằm ở việc sản xuất, sáng tạo ra một sản phẩm mà cái khó là sau khi hoàn thành không biết bán cho ai, cho đối tượng nào phù hợp sử dụng sản phẩm của mình.

Vấn đề vi phạm bản quyền phim tại Việt Nam

Bên cạnh mối lo đầu ra, Diễn viên Quốc thuận chia sẻ khi bắt tay vào làm bộ phim sitcom, chỉ mới quay được vài tuần là phải ngưng lại bởi vì một bên khác muốn kiện đơn vị sản xuất vi phạm bản quyền. Lúc đó ê-kíp gặp rất nhiều thủ tục pháp lý, ảnh hưởng đến tiến trình, phải dừng lại tầm 2 tháng để giải quyết mọi thứ và sửa kịch bản để ko bị liên quan đến sự “na ná” về nội dung giữa hai kịch bản.

Diễn viên Quốc Thuận chia sẻ, lúc đó anh mới đặt câu hỏi có đơn vị nào đứng ra bảo trợ và bảo vệ các sản phẩm không bị giống nhau hay không. Về thực trạng, chúng ta sáng tạo và làm phim hiện nay, việc đụng ý tưởng rất là bình thường nhưng chỉ cần một nhân tố, đơn vị nào đó đứng ra bảo vệ, phát hiện việc đụng ý tưởng thì sẽ thuận tiện hơn.

Những chia sẻ của Quốc Thuận nhận được sự đồng cảm của những khách mời tại hội thảo. Không chỉ riêng Quốc Thuận, vấn đề bản quyền luôn là đề tài được giới làm phim, sáng tạo nội dung ở Việt Nam quan tâm và mong muốn tìm ra giải pháp hợp lý nhất.

Trên cương vị của một đơn vị chuyên phân phối và phát hành các nội dung giải trí, phim truyền hình và điện ảnh trong và ngoài nước, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân (Phó giám đốc Fafilm, TP.HCM) nhìn nhận việc bỏ vốn ra để sản xuất ra một bộ phim, chương trình hoặc việc mua bản quyền phim nước ngoài về một tập phim cũng phải tốn từ 3.000-4.000 USD, thậm chí 7.000-8.000 USD.

Với kinh phí lớn như vậy cho thấy việc sản xuất và phân phối một nội dung có chất và lượng là điều không đơn giản. Giữa các đơn vị phân phối nội dung cần trao đổi với nhau để đảm bảo nguồn ra nội dung được phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng rộng mở.

Quốc Thuận tại buổi hội thảo được tổ chức gần đây. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên chưa có một “sân chơi chung” nào cho các nhà sản xuất và phân phối nội dung để việc trao đổi, mua bán này có thể diễn ra nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả, điều này cũng khiến cho thị trường mua bán trao đổi nội dung vẫn còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ.

Thông qua buổi workshop, có thể thấy được hướng đi mới cho việc kích thích, phát triển ngành nội dung. Việc nhìn ra những điểm bất cập và tìm ra hướng giải pháp phù hợp là một điều lý tưởng, giúp cho ngành sáng tạo, sản xuất, mua bán nội dung có bản quyền tại thị trường Việt Nam và thế giới phát triển một cách vượt bậc.