Trong thời đại công nghệ 4.0, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các trang mạng xã hội đã không còn là điều mới lạ. Dẫu biết rằng hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là hành vi vi phạm pháp luật, tại sao người bán vẫn bất chấp thực hiện hành vi phạm tội này? Nguyên nhân rất đơn giản: TIỀN.

Chi phí sản xuất thấp, giá bán cao đồng nghĩa lợi nhuận khủng. Điều này khiến nhiều người không tránh khỏi cám dỗ của hàng giả. Nhưng liệu một chút lợi nhuận đó có đáng với rủi ro của người bán khi bị pháp luật “sờ gáy”? Mới đây, một nữ ca sĩ Đài Loan đã phải gánh nhận hình phạt hai năm rưỡi tù giam vì tội bán hàng giả trên mạng.

Hsiao-Chin Ting

Hsiao-Chin Ting là một nữ ca sĩ 41 tuổi có quốc tịch tại Đài Loan. Cô thường được biết đến với nghệ danh T-ana. Năm 2015, Ting bắt đầu kinh doanh bán hàng cao cấp. Cô đăng ký mở tài khoản xã hội trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến để bán các sản phẩm cao cấp. Các mặt hàng cô bán bao gồm túi hàng hiệu, giày dép, quần áo và các mặt hàng mỹ phẩm.

Ting Hsiao-chin had been sentenced to two and half years' jail for scamming online consumers into buying counterfeit luxury goods.
Nữ ca sĩ và nhân vật truyền hình Đài Loan – Ting Hsiao-chin. Ảnh: straitstimes

Các sản phẩm của Ting được cam kết là “mới 90%” và có giấy chứng nhận xác thực (COA). Nhưng sự thật là hầu hết các mặt hàng mà cô bán đều là hàng giả. Nhờ hành vi này, cô đã nhận được một khoản lời “kếch xù”. Cụ thể, các công tố viên cho biết rằng cô đã kiếm được khoảng 170.000 Tân Đài tệ (5.950 USD), chỉ nguyên thông qua việc buôn bán hàng giả.

Nạn nhân của nạn buôn bán hàng giả

Ba khách hàng của Ting Hsiao-chin đã yêu cầu hoàn tiền khi nhận ra rằng mình mua phải hàng giả. Được biết, họ đã phải trả 7.500 đến 40.000 Đài tệ (260 USD tới 1.400 USD) với các món hàng giả này.

Chín người mua khác đã chi từ 800 Đài tệ (28 USD) đến 30.000 Đài tệ (1.050 USD). Họ đinh ninh rằng mình đã mua được hàng xịn. Nhưng trên thực tế, chỉ có vài người nhận được hàng Secondhand, tức là hàng đã qua tay người khác. Một số khác thậm chí còn không nhận được hàng sau khi đã hoàn tất thanh toán trên mạng.

Phán quyết của Tòa án

Khi xét xử, Tòa án Tối cao Đài Loan đã giữ nguyên phán quyết của tòa cấp dưới với vụ của Hsiao-Chin Ting. Trong đó, nữ diễn viên quốc tịch Đài Loan này phải gánh chịu hai năm rưỡi tù giam. Cụ thể, Ting bị tuyên án 13 tội bao gồm hành vi lừa đảo và vi phạm Luật Nhãn hiệu.

Tòa án tối cao của Đài Loan. Ảnh: taiwannews

Diễn biến tại tòa án  

Trong phiên tòa sơ thẩm, cô Ting tuyên bố rằng cô không hề biết về các giao dịch trực tuyến. Cô nói các giao dịch xảy ra trong thời gian người bạn tên Natasha mượn các tài khoản của mình. Nhưng thẩm phán của tòa chỉ trích cô vì phán đoán kém. Sau đó, Tòa án quận Tân Trúc đã kết án Ting ba năm sáu tháng tù giam vào ngày 12/4/2018.

Trước Tòa án Sở hữu trí tuệ trong phiên tòa phúc thẩm, Ting thừa nhận việc này là lỗi của cô và mong muốn đạt được thỏa thuận với các nạn nhân. Cô cũng đưa ra lời xin lỗi công khai với hy vọng được giảm án. Ngày 1 tháng 10 năm 2019, tòa án giữ nguyên tội danh của cô nhưng giảm án xuống còn hai năm sáu tháng vì Ting đã đạt được thỏa thuận với một số chủ sở hữu nhãn hiệu và khách hàng đã mua hàng của cô ấy.

Vào ngày 16 tháng 10 năm 2020, Tòa án Tối cao đã bác bỏ kháng cáo của cô Ting đối với tuyên án hình sự của Tòa án SHTT.

Ý kiến chuyên gia

Ruey-Sen Tsai – đối tác của công ty luật Lee and Li ở Đài Bắc cho biết: “Theo Luật Nhãn hiệu của Đài Loan, hành vi vi phạm nhãn hiệu sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự và hình sự. Hình phạt theo luật định đối với hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ bị phạt tù lên đến ba năm. Ngoài ra, hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ bị phạt tù đến một năm. Thông thường, các thẩm phán sẽ chỉ cần trích dẫn Luật Nhãn hiệu để tuyên án hình phạt đối với các bị cáo.”

Tuy nhiên, vụ án của cô Hsiao-Chin Ting lại phức tạp hơn thế.

Ruey-Sen Tsai tiếp tục phân tích: “Việc bán hàng cao cấp giả mạo trên mạng ở Đài Loan đang trở nên ngày càng phổ biến. Tuy nhiên hầu hết các vụ này đều không tiến triển nghiêm trọng như vụ cô Ting. Vụ án của cô Ting là đặc biệt hiếm khi xảy ra. Bởi vì các thẩm phán xét xử vụ án này ngoài Luật Nhãn hiệu còn viện dẫn Bộ luật Hình sự liên quan đến tội gian lận, lừa đảo. Trong đó có quy định hình phạt lên đến mức bảy năm tù giam.”

Ảnh hưởng của vụ án đối với xã hội

Cô Hsiao-Chin Ting bị trừng phạt nặng nề vì cô ấy đã bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng trên mạng trước đó và đã bị trừng phạt nhiều lần. Tuy nhiên cô vẫn không có ý hối cải và vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nên các thẩm phán lần này quyết định viện dẫn Bộ luật Hình sự liên quan đến tội lừa đảo và đưa ra hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe, ngăn chặn bất kỳ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trong tương lai.

Hình phạt mạnh mẽ đối với vụ án sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người đã, đang và có ý định sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo. Ngoài ra, qua vụ kiện các chủ sở hữu nhãn hiệu cũng yên tâm khi biết được rằng các sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu của mình sẽ được pháp luật bảo vệ khỏi các hành vi sản xuất, buôn bán sản phẩm giả mạo nhãn hiệu.

-Monster Hunter-