Tại Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2023 tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức tại thành phố Huế, một trong các chính sách được trọng điểm quan tâm là về vấn đề tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ để phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Với 350 đại biểu đại diện cho 58 Sở Khoa học và Công nghệ trên toàn quốc, Hội nghị sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2023 đã trở thành trung tâm thảo luận các vấn đề về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam để từ đó, tìm ra giải pháp, định hướng cho tương lai.

Năm nay, Hội nghị tiếp tục giữ trọng tâm, thảo luận tập trung để đánh giá lại hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại trung ương trong năm 2022 và là nơi để trao đổi về hoạt động sở hữu trí tuệ ở các địa phương, ở các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Huỳnh Thành Đạt, hiện nay hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn chưa hoàn thiện. Các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu tìm ra phương án để biến tài sản trí tuệ thành của cải vật chất phục vụ cho sự phát triển của xã hội. Trong đó, cần đẩy mạnh sự liên kết, hỗ trợ đôi bên với quốc tế về lĩnh vực sở hữu trí tuê.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đưa ra khuyến nghị với các đại biểu tập trung đưa ra ý kiến về 4 nội dung:

  • Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ.
  • Bên cạnh hoạt động xác lập, bảo hộ tài sản trí tuệ, cần tăng cường hơn nữa việc đề xuất và triển khai các chính sách nhằm khuyến khích hoạt động khai thác tài sản trí tuệ.
  • Thảo luận các giải pháp nhằm tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sở hữu trí tuệ.
  • Đẩy mạnh vấn đề hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ.
Tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ để phát triển xã hội. Nguồn: VTV

Tổng kết công tác sở hữu trí tuệ năm 2022

Theo thống kê, năm 2022 lượng đơn nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ tăng cao so với năm 2021.

Trong đó, đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 3,3%; lượng văn bằng bảo hộ cấp ra tăng 8,3%; giải quyết đơn khiếu nại và đơn đề nghị chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ tăng 18%.

Hoạt động xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính tăng mạnh cả số vụ xử lý và số tiền phạt. Năm 2022 cả nước có 1.430 vụ xâm phạm quyền về nhãn hiệu đã được xử lý với tổng số tiền phạt là hơn 18 tỷ đồng, tăng gần 30% về số vụ và 35% tổng số tiền phạt so với năm 2021.