Viện dẫn việc nhiều quốc gia hiện nay còn có sự tiếp cận không bình đẳng đối với vaccine Covid-19, Ấn Độ và Nam Phi đã kêu gọi việc miễn trừ các điều khoản của Hiệp định TRIPS đối với vaccine nhằm chống lại đại dịch Covid-19. Đề xuất này đã được cả Hoa Kỳ, Việt Nam và hơn 120 quốc gia khác trên thế giới ủng hộ. Dần dần, các lời kêu gọi về việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine, gỡ bỏ các hạn chế về IP đã ngày càng gia tăng mãnh liệt. Tuy nhiên, liệu việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine có thật sẽ đảm bảo rằng nhiều người sẽ được tiêm vaccine hơn?

Vấn đề vaccine Covid-19 ở Đông Nam Á

Nhu cầu về vaccine ở Đông Nam Á là rất lớn. Hơn 600 triệu người cần được tiêm chủng vaccine ở khu vực này và tính đến hiện nay chỉ có dưới 5% người được tiêm. Tại Philippines, tổ chức The Coalition for People’s Right to Health đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu chính phủ Philippines ủng hộ việc miễn trừ các quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine. Họ tuyên bố rằng việc miễn trừ vài điều khoản trong hiệp định TRIPS liên quan đến vaccine có thể là “bước đầu tiên để khuyến khích hoặc phục hồi sự công nghiệp hóa quốc gia”.

Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của đa số dân chúng, việc sản xuất vaccine Covid-19 không thể được giải quyết chỉ bằng quyền tiếp cận không hạn chế đối với vaccine (thông qua việc miễn trừ các quyền sở hữu trí tuệ). Trái lại, việc sản xuất vaccine rất phức tạp và chỉ có một số ít các công ty ở Đông Nam Á có thể sản xuất chúng.

Hơn nữa, trong số đó, nhiều công ty sản xuất vaccine vẫn chưa được các cơ quan quản lý chấp thuận vì chưa đạt đủ các tiêu chí, cùng với nhiều lí do khác. Chính vì vậy, khả năng tạo ra vaccine không đồng nghĩa với việc vaccine có thể được đưa vào sử dụng. Như đã thấy ở Mỹ, có rất nhiều vaccine được sản xuất ra có thời hạn sử dụng ngắn và rất nhiều lô vaccine đã phải bị tiêu hủy do quá hạn sử dụng.

Không chỉ có vấn đề về hạn sử dụng, việc phân phối và bảo quản vaccine cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa vaccine đến tay người dân, bởi mỗi loại vaccine đều cần được bảo quản làm lạnh ở các mức độ khác nhau, dẫn đến việc phân phối chúng trong thực tế còn khó khăn hơn nữa.

Miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine có thật sẽ đảm bảo rằng nhiều người sẽ được tiêm vaccine hơn?

Do đó, để có thể đưa các liều vaccine vào sử dụng trong thực tế, các quốc gia, công ty sản xuất vaccine cần có một hệ thống quản lí, bảo quản, phân phối hiệu quả để tránh việc tiêu hủy những liều vaccine quá hạn.

Vấn đề về tiêm chủng

Bản thân quá trình tiêm chủng cho hàng trăm triệu người trên thực tế cũng là một vấn đề rất phức tạp. Nhiều chính phủ ở khu vực Đông Nam Á đang thực hiện tốt việc triển khai các chương trình vaccine ban đầu. Tuy nhiên, sự phức tạp của việc lập lịch trình, xử lý (đòi hỏi cơ sở hạ tầng CNTT lớn), cũng như nhân sự, đào tạo, nói chung sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là trong tình cảnh các ca nhiễm Covid-19 tiếp tục lan rộng trong cộng đồng.

Không chỉ vấn đề tiêm chủng cho đại đa số dân chúng, việc tiêm chủng cho phần dân thiểu số cũng là một bài toán hóc búa cho chính quyền. Việc tiêm chủng cho những người dân ở các vùng núi xa xăm và những người dân ở ngoài biển (ví dụ như ở ngoài hải đảo), những người vốn có sự tiếp cận hạn chế đến công nghệ thông tin, sẽ càng trở nên đặc biệt khó khăn.

Vấn đề về thương mại với vaccine Covid-19

Có một vấn đề khác trong việc tiêm chủng vaccine chính là vấn đề về thương mại. Hiện nay, có một số công ty dược phẩm trong khu vực muốn theo đuổi việc dỡ bỏ các rào cản SHTT để sử dụng các sản phẩm này nhằm xây dựng khả năng sản xuất vaccine cho quốc gia và người dân của mình trong hiện tại và trong cả tương lai. Nếu đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 này được đưa ra, nó sẽ tạo nên một tiền lệ lớn chưa từng có trong lịch sử.

Trong tương lai, nếu có các sự kiện tương tự trên một mức độ nhất định, các công ty dược phẩm và các quốc gia có thể lấy tiền lệ này ra để phản biện, yêu cầu việc miễn trừ các quyền sở hữu trí tuệ tiếp theo. Về lâu về dài, các công ty dược phẩm trong khu vực Đông Nam Á vốn khó tự mình phát triển vaccine sẽ được lợi rất nhiều. Tuy nhiên, các công ty vaccine quốc tế vốn có thể tự mình nghiên cứu và phát triển vaccine có khả năng sẽ phải chịu thiệt lớn vì các rủi ro thương mại.

Tóm lại: Việc miễn trừ các quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine không đảm bảo rằng vaccine sẽ được cung cấp đến tay người dân. Đây chỉ là một bước trong số hàng chục bước mà một quốc gia cần giải quyết để có thể sản xuất vaccine và đưa vào sử dụng. Vấn đề thực sự trong bài toán này chính là thực tế rằng khả năng cung ứng vaccine toàn cầu sẽ không bao giờ là đủ để đáp ứng nhu cầu của mọi quốc gia. Việc sản xuất và phân phối vaccine không chỉ cần miễn trừ các quyền sở hữu trí tuệ là đủ.