Sàn thương mại điện tử Shein của Trung Quốc đang bị các thương hiệu lớn trên thế giới như Dr Martens, Ralph Lauren cáo buộc tiếp tay cho xâm phạm nhãn hiệu.

Shein – thương hiệu trị giá 15 tỷ đô đến từ Trung Quốc
Có mặt tại hơn 220 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nền tảng thương mại điện tử Shein đã không còn xa lạ với các tín đồ thời trang. Được thành lập vào năm 2008 bởi Chris Xu, thương hiệu này chuyên cung cấp các mặt hàng quần áo thời trang cho phái nữ và trẻ em, đặc biệt là thế hệ gen Z, với những mẫu mã đa dạng, bắt “trend” mà giá lại rẻ.
Các sàn thương mại điện tử dường như được hưởng lợi rất nhiều từ đại dịch Covid-19. Shein vừa kết thúc chuỗi 152 ngày liên tiếp là ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất ở Hoa Kỳ trên cả App store lẫn Play store vào tháng trước. Đây là một kỳ tích đáng nể với bất kỳ thương hiệu quần áo “mới chớm nở” nào. Dữ liệu từ SimilarWeb cho thấy, Shein nằm trong nhóm website thời trang được truy cập nhiều nhất thế giới. Sau vòng gọi vốn gần nhất vào tháng 8/2020, Công ty này đang được định giá lên đến 15 tỷ USD.
Điều gì tạo nên thành công của Shein hiện nay?
Sự trỗi dậy của nhà bán lẻ thời trang nhanh Trung Quốc phần lớn nhờ vào mức giá quá rẻ và sự phát triển mạnh mẽ của thời trang nhanh, một mô hình được xem là hàng may mặc và phụ kiện bắt “trend” từ các show diễn và lookbook (thậm chí trong tài khoản Instagram của các nhà thiết kế mới nổi) – và được gia công sản xuất nhanh chóng số lượng lớn với chi phí cực rẻ.

Theo Bloomberg, về cơ bản Shein là một cửa hàng tổng hợp cho bất cứ thứ gì bạn muốn với giá thấp đến mức bạn có thể mua được 2, thậm chí là 30 món bất kỳ – mức giá vô cùng hấp dẫn cho hầu hết mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi bị hạn chế về mặt tài chính. Theo đó, chính những người mua sắm trẻ tuổi này đã đưa Shein trở thành ứng dụng sở hữu lượt tải xuống cao nhất trong 5 tháng và xướng tên nó ở vị trí số một trong danh sách các thương hiệu “được nhắc đến nhiều nhất” trên YouTube và TikTok trong năm 2020.
Thương hiệu tỷ đô hay kẻ chiếm đoạt trắng trợn?
Trong khi các thương hiệu thời trang lớn đã quen với việc chiến đấu trên nhiều mặt trận để bảo vệ tài sản trí tuệ của họ, thách thức đó chỉ ngày càng gia tăng khi những kẻ “chơi lớn” trên toàn cầu như Shein ngày càng khai thác nâng cao phân tích dữ liệu để thiết lập các xu hướng thời trang mới nổi và nhanh chóng gia công, sản xuất các thiết kế có liên quan để chúng có thể xuất hiện trên thị trường chỉ trong vòng vài ngày.
Shein đã bán chiếc váy Serita bán chạy của Cult Gaia với giá chỉ 11 đô la, chiếc áo sơ mi của Marine Serre với giá 8 đô la với các phiên bản nhái của Gucci, Dior,… và tất cả những chiếc túi Bottega Veneta đều có giá dưới 30 đô la. Không chỉ đơn thuần là một trong những kẻ chiếm đoạt trắng trợn nhất các sản phẩm của các thương hiệu khác, nó nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu lớn nhất. Theo báo cáo của Forbes, Shein đã tạo ra hơn 10 tỷ đô la doanh thu vào năm 2020. Trong khi đó, doanh thu hàng năm của thương hiệu thời trang nhanh kỹ thuật số Fashion Nova theo ước tính rơi vào khoảng từ 100 đến 500 triệu đô la. (Cả Shein và Fashion Nova đều thuộc sở hữu tư nhân.)

“Bán lẻ theo thời gian thực“
Shein có thể tạo ra những sản phẩm hoàn hảo theo xu hướng với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các đối thủ cạnh tranh. Khả năng này đã định vị công ty ở vị trí hàng đầu trong thị trường thời trang nhanh. Matthew Brennan – một người chuyên viết về đổi mới công nghệ và Internet Trung Quốc cho rằng đó là “Bán lẻ theo thời gian thực” và nó cho phép Shein vượt xa các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đến mức “những người chơi thời trang cực nhanh” như Missguided, Fashion Nova và Boohoo cũng khó có thể so sánh được.
Cuộc đấu tranh pháp lý
Một điểm chung giữa Shein và các đối tác thời trang nhanh – bất kể tốc độ và giá cả mà họ đang đưa sản phẩm ra thị trường – đó là hàng loạt vụ kiện tụng chắc chắn có xu hướng nổ ra.
Chẳng hạn, Forever 21 thường xuyên gây chú ý trong thời kỳ hoàng kim trước khi phá sản vì dùng sọc xanh lục-đỏ-xanh lá cây được bảo hộ nhãn hiệu của Gucci trên quần áo và phụ kiện (và bị kiện vì nó) và sao chép các sản phẩm của các thương hiệu trẻ hơn, nhỏ hơn. Kết quả là bị đưa ra tòa. Thương hiệu thời trang này cũng đã bị Mara Hoffman, Puma, Adidas, H&M và nhiếp ảnh gia Vanessa Boy, cùng những người khác kiện với lý do tương tự.
Và bây giờ, đến lượt Shein phải đối mặt với các vụ kiện đang dần bắt đầu chồng chất.
Đơn kiện sản xuất và buôn bán hàng giả từ Dr Martens, Levi…
Theo tờ Financial Times đưa tin, Airwair – chủ sở hữu thương hiệu giày Dr Martens đã đệ đơn kiện Shein lên tòa án liên bang California vào cuối năm 2020. Hãng giày này tuyên bố rằng Shein đang sản xuất và phân phối giày dép giả. Hiện vụ kiện này vẫn đang được giải quyết.
Đồng thời, Shein cũng đã bị nêu tên trong một số vụ kiện vi phạm bản quyền và nhãn hiệu trong những năm gần đây bởi những tên tuổi lớn như Levi’s và Ugg-owner Deckers Outdoor Corp. và các nhà sáng tạo độc lập như Katie Thierjung và Kjersti Faret. Hầu hết những vụ kiện này đều tuân theo quy trình truyền thống và lặng lẽ giải quyết ngoài tòa án.
Đơn kiện vi phạm nhãn hiệu của Ralph Lauren
Gần đây nhất, Shein đã bị Ralph Lauren nêu tên trong một vụ kiện vi phạm nhãn hiệu và cạnh tranh không lành mạnh. Nhãn hiệu thời trang của Mỹ này cáo buộc Zoetop Business Co. cung cấp quần áo chứa các nhãn hiệu về cơ bản không thể phân biệt được và / hoặc tương tự một cách khó hiểu với một hoặc nhiều Nhãn hiệu của Ralph Lauren; cụ thể là logo người chơi polo nổi tiếng của hãng.
Theo đơn khiếu nại vào tháng 3 năm 2021 của Ralph Lauren, hành vi vi phạm của Zoetop là cố ý, có chủ ý và nhằm gây nhầm lẫn cho công chúng và gây phương hại đến danh tiếng của thương hiệu Ralph Lauren. Rất có thể, vụ kiện nãy cũng sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận không được tiết lộ.
Theo nhà phân tích Web Smith, tranh chấp thương hiệu giờ đã trở thành điều phổ biến ở lĩnh vực thời trang. Ông cho rằng, “chừng nào Shein còn khách hàng, họ xác định rằng việc bỏ thời gian và công sức để làm sản phẩm nhanh nhất có thể là xứng đáng, kể cả khi các sản phẩm đó vi phạm sở hữu trí tuệ.”
– Camellia –