Scarlett Johansson có thể sẽ thực hiện các hành động pháp lý chống lại OpenAI vì đã phát triển AI mới với giọng nói giống cô. Vụ việc này xoay quanh giọng nói AI mới của OpenAI – “Sky”. AI này khiến nhiều người nhớ đến nhân vật AI Samantha, được Johansson lồng tiếng trong bộ phim “Her” được phát hành năm 2013.

Cố vấn pháp lý của Johansson sau đó đã gửi thư yêu cầu lời giải thích từ OpenAI. Phản hồi lại yêu cầu trên, OpenAI đã ngừng sử dụng Sky và nhấn mạnh rằng AI này “không bắt chước giọng của Scarlett Johansson, mà giọng nói này thuộc về một nữ diễn viên chuyên nghiệp khác”.

Diễn biến vụ việc

Johansson cho biết cô “bị sốc và tức giận” khi nhận ra bản demo của AI “Sky” của OpenAI có giọng nói giống cô. Cô cũng đã tiết lộ rằng, vào năm ngoái, cô đã từ chối yêu cầu của Giám đốc điều hành OpenAI, Sam Altman, về việc dùng giọng nói của cô cho ChatGPT và Sam đã liên hệ lại hai ngày trước khi công bố bản demo AI nhằm cố gắng thay đổi quyết định của cô.

Không rõ liệu Johansson có kế hoạch thực hiện hành động pháp lý chống lại OpenAI hay không. Nếu Johansson theo đuổi vụ kiện chống lại OpenAI, một số chuyên gia sở hữu trí tuệ nghi ngờ rằng họ có thể tập trung vào luật “quyền công khai” (right of publicity), có mục đích nghiêm cấm hành vi sử dụng tên hoặc hình ảnh của người khác một cách trái phép.

Vụ việc của Johansson và OpenAI đã thu hút sự chú ý của công chúng, vì OpenAI cũng đang vướng phải một số vụ kiện bản quyền liên quan đến các nghệ sĩ và nhà văn. Họ cáo buộc OpenAI vi phạm bản quyền khi sử dụng tác phẩm sáng tạo của họ để đào tạo các mô hình AI một cách trái phép. Tuy nhiên, luật bản quyền lại khó có thể giúp Johansson trong trường hợp này, vì giọng nói không được bảo vệ bởi bản quyền.

Ý kiến ​​pháp lý

Nhiều chuyên gia pháp lý không coi những gì OpenAI đã làm là hành vi vi phạm, với luận điểm bất kỳ khiếu nại nào về ‘quyền công khai’ của Scarlett Johansson chống lại OpenAI sẽ không thực sự có sức nặng, do chỉ có giọng nói của ‘Sky’ và Johansson là giống nhau. OpenAI cũng không công bố hay thậm chí ám chỉ rằng họ đã hợp tác và sử dụng giọng nói của Scarlett Johansson. Nếu OpenAI sử dụng tên hoặc hình ảnh của Johansson để quảng bá sản phẩm của họ thì vụ việc này sẽ liên quan đến vấn đề về quyền công khai.

Tuy nhiên, OpenAI vẫn có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề. Bài đăng của Sam Altman trên mạng xã hội với nội dung “Her” vào ngày ra mắt bản demo AI, được nhiều người cho là đã ám chỉ đến giọng nói của Johansson trong bộ phim Her. Kết hợp với những tiết lộ của Johansson rằng OpenAI đã thực sự đã cố gắng để sử dụng giọng nói của cô cho các chatbot của mình, việc OpenAI nhấn mạnh rằng giọng nói của Sky không giống với Samantha thực sự khó tin đối với công chúng.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người suy đoán rằng việc OpenAI sử dụng giọng nói giống với giọng của Johansson cho AI mới có thể là hành động có chủ ý với mục đích thu hút sự chú ý của công chúng.

Cuối cùng, cuộc chiến pháp lý giữa Scarlett Johansson và OpenAI về giọng nói của AI Sky sẽ có thể xoay quanh các quy định về quyền công khai. Vụ việc này đã đặt ra những câu hỏi quan trọng về ranh giới của công nghệ AI và việc bảo vệ quyền lợi của cá nhân trong thời đại kỹ thuật số.