Với danh tiếng là cường quốc về văn hóa đại chúng, Nhật Bản đã tiết lộ kế hoạch phát triển thị trường nước ngoài cho các sản phẩm giải trí như trò chơi điện tử, truyện tranh và phim hoạt hình. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng bốn lần mức xuất khẩu của ngành công nghiệp sáng tạo trên lên con số 20 nghìn tỷ Yên (khoảng 130 tỷ USD) vào năm 2033 với chiến lược “Cool Japan”.
Mục tiêu đầy tham vọng này nhấn mạnh sự công nhận của Nhật Bản đối với tài sản văn hóa như động lực chính cho hoạt động tăng trưởng kinh tế, khi đặt ngành công nghiệp sáng tạo này ngang hàng với các ngành công nghiệp truyền thống như thép và chất bán dẫn. Vào năm 2022, ngành công nghiệp trò chơi điện tử, anime và manga của Nhật Bản đã tạo ra 4,7 nghìn tỷ Yên (30 tỷ USD) từ thị trường quốc tế, gần bằng với 5,7 nghìn tỷ Yên thu được từ hoạt động xuất khẩu vi mạch.
Trong vài năm trở lại đây, anime và manga đã thể hiện tầm quan trọng trong việc thu hút khán giả trẻ trên toàn thế giới, với vai trò là “cửa ngõ” giúp lực lượng khán giả này tiếp cận văn hóa Nhật Bản. Sức hấp dẫn toàn cầu này càng được khuếch đại nhờ sự bùng nổ của các nền tảng phát trực tuyến trong thời kỳ COVID-19, với các loạt phim như “Demon Slayer” đạt được nhiều thành công tại phòng vé quốc tế.
Các trào lưu mới như “Virtual YouTuber” (YouTuber ảo) cũng đang góp phần nâng cao quyền lực mềm của Nhật Bản trên thị trường toàn cầu. Chính phủ Nhật Bản đã nhận thấy nhiều tiềm năng của việc tận dụng hoạt động xuất khẩu văn hóa để thúc đẩy các ngành liên quan, bao gồm thời trang, mỹ phẩm và du lịch nội địa, từ đó hướng tới mục tiêu đạt tổng lợi ích kinh tế khoảng 50 nghìn tỷ Yên vào năm 2033.
Tuy nhiên, chiến lược trên cũng đã chỉ ra nhiều thách thức cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề vi phạm bản quyền trực tuyến. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch tăng cường nỗ lực ngăn chặn các trang web phân phối trái phép nội dung anime và manga bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh và tiếng Việt.
Là nơi sản sinh ra những thương hiệu mang tính biểu tượng như “Dragon Ball”, “Super Mario” và “Final Fantasy”, Nhật Bản đang thực hiện một canh bạc lớn với các ngành công nghiệp sáng tạo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Sáng kiến táo bạo này không chỉ nhằm mục đích tận dụng ảnh hưởng văn hóa của Nhật Bản mà còn đảm bảo tính bền vững và lợi nhuận của việc xuất khẩu văn hóa đại chúng trong kỷ nguyên kỹ thuật số và kết nối toàn cầu.