Hiện nay, với việc Hà Nội và các thành phố lớn tại Việt Nam ngày ngày nhận được tin báo hỏa hoạn cùng với con số thương vong rợn người, sáng chế robot chữa cháy được đưa ra bởi một startup Việt đã nhận được sự hoan nghênh và đón nhận tích cực của cộng đồng.

Những chiếc robot nhỏ này thậm chí còn linh hoạt hơn lính cứu hỏa thông thường ở một mặt nào đó, bởi lẽ chúng có thể đi sâu vào các hẻm nhỏ nơi mà thậm chí lính cứu hỏa cũng khó vào được.

Ngoài ra, với các robot chữa cháy như thế này, công việc của những chiến sĩ phòng cháy chữa cháy sẽ được an toàn hơn đáng kể khi mà họ không phải đích thân tiến vào những nơi nguy hiểm tràn ngập khói độc nữa.

Được biết, nhóm nghiên cứu dự án robot chữa cháy có 8 thành viên, bao gồm 5 thành viên chuyên thiết kế phần cứng, 3 người làm phần mềm.

Theo chia sẻ của trưởng nhóm dự án, nhóm nảy ra ý định sáng chế ra thiết bị này chính là xét thấy tình hình đường phố ngoằn ngoèo, nhiều hẻm nhỏ của TP.HCM. Không chỉ HCM mà cả Việt Nam nói chung đều có những con hẻm nhỏ phức tạp, khó tiếp cận bởi lực lượng cứu hộ khi cần thiết, thậm chí và đặc biệt là ở cả thủ đô Hà Nội.

Qua đó, bắt đầu từ năm 2018, dự án đã có bước thứ nghiệm đầu tiên vào tháng 10 năm 2020 với phiên bản hoàn thiện thứ nhất tên là FFR-1.

Robot chữa cháy FFR-1

Robot chữa cháy FFR-1 được thiết kế với trọng lượng 250 kg, hình dạng nguyên khối, di chuyển bằng hệ thống bánh xích cao su giúp dễ dàng hoạt động trong điều kiện địa hình phức tạp. Họng phun nước được gắn trên thân robot với phạm vi phun tối đa 60 m, có thể linh hoạt thay đổi góc phun từ 30 đến 70 độ.

Tương tự như với mọi thiết bị điện tử công suất cao, FFR-1 cũng cần thiết bị làm lạnh. Với việc đây là robot chữa cháy chắc chắn phải hoạt động trong điều kiện nhiệt độ cao, hệ thống làm lạnh của robot này còn tân tiến hơn nhiều so với các thiết bị thông thường với vòi phun 360 độ và khả năng chịu nhiệt lên đến 300 độ C.

Robot sử dụng 2 động cơ điện, công suất 1.000 W, vận tốc chạy tối đa 5 km mỗi giờ, hoạt động trong 3 – 5 giờ và khả năng quay 360 độ tại chỗ. Thân robot được bố trí camera hồng ngoại xoay 360 độ giúp người điều khiển có khả năng quan sát toàn bộ hiện trường mà không cần đích thân đến đấy. Robot chữa cháy được điều khiển và kết nối hình ảnh từ camera tới điện thoại thông minh ở khoảng cách hơn 100 m.

Hai đèn pha gắn trước đầu có khả năng chiếu sáng cao giúp việc quan sát các khu vực tối tăm trở nên dễ dàng hơn.

Robot cứu hỏa có kiểu dáng nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển trong hẻm nhỏ. Ảnh: NVCC

Giá thành dự kiến của Robot chữa cháy này là khoảng 1 tỷ đồng. Tuy là một mức giá đắt nhưng nếu so sánh với tiềm năng cứu người không giới hạn của nó thì con số trên chỉ là một con số không đáng kể.

Hiện, nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện các thủ tục kiểm tra tiêu chuẩn để thương mại hóa. Trong tương lai, nhóm dự kiến sẽ nghiên cứu phát triển một phần mềm trí tuệ nhân tạo có khả năng tự điều khiển robot.