Trung Quốc luôn nắm giữ xếp hạng là quốc gia đông dân nhất thế giới. Như thể để củng cố kỉ lục này, về lĩnh vực công nghệ, Trung Quốc cũng đã đạt được kỉ lục khi chiếm gần 40% tổng số bằng sáng chế toàn cầu.

5G là viết tắt của 5th Generation, hay được gọi là thế hệ thứ 5 của mạng di động với nhiều cải tiến hơn so với 4G.

5G được ra đời để kế thừa các ưu điểm của 4G và phát triển các tính năng khác mà 4G không có. Nhờ công thức tiến đến thành công đó, tốc độ tải xuống của điện thoại sử dụng 5G sẽ nhanh hơn, truyền phát dữ liệu mượt mà hơn và nhiều hơn thế nữa.

Trung Quốc chiếm gần 40% tổng số bằng sáng chế toàn cầu về lĩnh vực 5G

5G không chỉ về tốc độ mà nó sẽ mở ra những ứng dụng hoàn mới và gây ra một cuộc cách mạng lớn trong những thế kỉ mới.

Tuy nhiên, 5G là một phạm trù rất rộng và bao hàm nhiều lĩnh vực nhỏ hơn cấu thành nên nó. Để bảo hộ các công nghệ đó, bằng sáng chế là một công cụ hữu ích được các tập đoàn công nghệ tranh nhau đăng ký để đạt được sự bảo hộ đối với sáng chế của mình.

Trung Quốc giữ vị trí bá chủ về số lượng bằng sáng chế 5G

Dựa theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Sở hữu Trí tuệ (Cục Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc), Trung Quốc hiện đang đạt được nhiều thanh tựu to lớn, chưa từng có tiền lệ trước đây trong ngành viễn thông 5G, thể hiện qua số lượng bằng sáng chế đăng ký của quốc gia này.

Hiện trên thế giới có khoảng 210.000 bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn 5G được công bố và có liên quan đến 46.879 nhóm bằng sáng chế hay các bằng sáng chế đồng dạng (tập hợp các đơn đăng ký sáng chế có nội dung kỹ thuật giống nhau hoặc tương tự nhau). Trong đó, có 18.728 bằng sáng chế đồng dạng do Trung Quốc công bố, chiếm tỉ lệ đáng kinh ngạc 39,9%.

Trong số các đơn đăng ký sáng chế 5G, chắc hẳn người dân trên thế giới sẽ không có ai ngạc nhiên khi thấy cái tên Huawei đứng vị trí thứ nhất. Số lượng bằng sáng chế do gã khổng lồ công nghệ viễn thông này tuyên bố đã vượt con số 6.500.

Trung Quốc bắt đầu thương mại hóa 5G từ cuối 2019 và đầu tư mạnh tay vào hạ tầng mạng di động thế hệ mới này. Được biết, dựa trên thông tin trong một cuộc họp báo, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã đặt mục tiêu cán mốc hai triệu trạm gốc 5G vào cuối năm 2022.