Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, các bên liên quan có thể nộp yêu cầu phản đối việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp của các bên khác. Tại Việt Nam, hành động phản đối quyền sở hữu công nghiệp chủ yếu được áp dụng đối với đơn đăng ký nhãn hiệu. Bài viết sau sẽ phân tích các quy định pháp luật theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 về phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam.
Cơ sở pháp lý
Theo quy định tại Điều 112a Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trong các thời hạn sau đây, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ cho quyền sở hữu công nghiệp:
a) Chín tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố;
b) Bốn tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố;
c) Năm tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố;
d) Ba tháng kể từ ngày đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố.
Để được ghi nhận, ý kiến phản đối các quyền sở hữu công nghiệp trên phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm xử lý ý kiến phản đối theo trình tự, thủ tục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.
Những nguyên nhân dẫn đến việc đơn đăng ký nhãn hiệu bị phản đối
Không được quy định chi tiết tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và bản sửa đổi năm 2009, 2019 song Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã có quy định chi tiết về các cơ sở để đơn đăng ký nhãn hiệu bị phản đối. Một số nguyên nhân, căn cứ để phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu gồm:
Không có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác
Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2022.
Nhãn hiệu đăng ký trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc có ngày nộp đơn sớm hơn
Hai nhãn hiệu được đánh giá là trùng hoặc tương tự đến mức có khả năng gây nhầm lẫn khi hai nhãn hiệu đó có cùng bản chất hoặc cùng chức năng, mục đích sử dụng, tức là khi hai nhãn hiệu đó được đăng ký cho cùng nhóm sản phẩm, dịch vụ.
Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký cho nhãn hiệu A nhưng đã có một nhãn hiệu B trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu A được đăng ký từ trước thì đơn đăng ký sẽ bị từ chối. Việc này cũng có thể xảy ra nếu có một đơn đăng ký nhãn hiệu cho nhãn hiệu C có ngày nộp đơn sớm hơn ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu A.
Để bảo vệ lợi ích của mình, các bên thứ ba có thể nộp đơn phản đối việc đăng ký nhãn hiệu đó trước ngày cấp văn bằng bảo hộ, cụ thể là 5 tháng sau ngày nhãn hiệu được công bố.
Nhãn hiệu bị phản đối được nộp bởi người không có tư cách nộp đơn
Trong một số trường hợp, một bên khác có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ mà bên khác sở hữu, đưa ra thị trường.
Khoản 2 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
Theo đó, nếu bên sản xuất có nguyện vọng phản đối việc đăng ký nhãn hiệu, họ sẽ có quyền làm vậy. Trường hợp này thường xảy ra khi các bên hợp tác không hợp tác đầy đủ với thiện chí, đặc biệt trong trường hợp các đối tác ở các thị trường khác nhau.
Nhãn hiệu đăng ký với dụng ý xấu
Nhãn hiệu đăng ký với dụng ý xấu là tình huống khi một người hoặc tổ chức đăng ký một nhãn hiệu với mục đích gây hại cho người khác hoặc để lợi dụng tên tuổi, thương hiệu của tổ chức, cá nhân cho mục đích kiếm lợi phi pháp của họ. Nhãn hiệu đăng ký cho dụng ý xấu có thể có những hậu quả nghiêm trọng đối với người tiêu dùng, cạnh tranh hợp pháp, và tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh.
Việc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu thường để ‘tống tiền’ các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài khi họ quyết định mở rộng vào thị trường nội địa. Để phản đối nhãn hiệu đăng ký với dụng ý xấu trong giai đoạn thẩm định, biện pháp phân biệt tốt nhất là khi bên đăng ký đăng ký một loạt các nhãn hiệu tương tự với các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng trong khi bản thân họ không có hoạt động thương mại trong lĩnh vực đó.