Thông tin từ Văn phòng Sở hữu Trí tuệ của Philippines (IPOPHL) đã dẫn đến vụ thu giữ hơn 600 sản phẩm thời trang Louis Vuitton (LV). Được biết, số sản phẩm này bị cáo buộc là hàng giả được bày bán trên trang Facebook Direk Paul’s Classroom. Ngay sau khi nhận được thông tin xác đáng, các cơ quan chức năng đã tiến hành một cuộc đột kích vào nơi ở của chủ sở hữu tài khoản Direk Paul’s Classroom. Điều đặc biệt là vụ bắt giữ này diễn ra ngay trong khi chủ tài khoản này tiến hành livestream bán hàng trên mạng với hàng trăm người xem.

Lực lượng chức năng bắt giữ ổ buôn bán hàng giả (Tất cả đều được Livestream trực tiếp) Nguồn: youtube

Giám đốc Phụ trách IEO Ann N. Edillon cho biết: “Vụ bắt giữ chính là minh chứng cho những gì mà một bản báo cáo tại Văn phòng Thực thi Quyền Sở hữu Trí tuệ của chúng tôi có thể đóng góp trong việc bắt giữ những người bán hàng giả và các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Nó cũng cho thấy tầm quan trọng của việc công dân và chủ sở hữu quyền SHTT đồng lòng tham gia tích cực vào cuộc chiến chống hàng giả và vi phạm bản quyền của chúng tôi.”

Cô khuyến khích công chúng báo cáo ngay lập tức các tội phạm sản xuất và mua bán hàng giả hoặc vi phạm bản quyền cho IEO qua e-mail hoặc qua trang Facebook của IEO, đặc biệt là chủ sở hữu quyền SHTT và người tiêu dùng là nạn nhân.

Bị cảnh sát xông vào nhà bắt giữ ngay trong khi livestream trực tuyến trên mạng xã hội

Việc thu giữ hàng LV được tiến hành bởi Cục Điều tra Quốc gia (NBI) tại nơi ở của tội phạm bán hàng giả ở thành phố Quezon. NBI đã tịch thu được 465 túi, 115 ví, 20 túi, 9 bao đựng hộ chiếu và 2 mũ, tất cả đều mang nhãn hiệu LV làm giả.

NBI vẫn chưa tính được chính xác giá trị hàng hóa. Theo ước tính ban đầu, tổng số hàng giả tịch thu được có giá trị khoảng 1,8 triệu USD hay 87,5 triệu P (Đồng Peso của Philippines).

Các sản phẩm LV được bán trên các buổi livestream là đồ cũ nhưng vẫn có thể lên đến 10.000 P cho một chiếc túi, được rao bán với chính sách thanh toán trước khi giao hàng và cảnh báo rằng “tính xác thực không được đảm bảo”.

Cuộc đột kích bắt nguồn từ hai báo cáo mà IEO nhận được vào tháng 12 năm 2020 và tháng 1 năm 2021 chống lại Direk Paul’s. Các báo cáo đến từ các khách hàng phàn nàn về các sản phẩm chất lượng quá thấp nhưng giá cao mà họ đang bán trên Facebook.

Một trong những báo cáo có nội dung: “Ang low quality ng pinadala pero sa live sell mukhang original [Sản phẩm mà họ phân phối có chất lượng thấp nhưng nó trông như hàng chính hãng khi được giao bán trực tiếp trên mạng].”

IEO đã nộp các báo cáo lên Văn phòng Châu Á Thái Bình Dương của LV Malletier có trụ sở tại Paris. Sau đó cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị địa phương để gửi đơn khiếu nại trước khi NBI tiến hành cuộc đột kích.

Trước cuộc đột kích, trang web của Direk Paul có 21.867 người theo dõi và thường xuyên tổ chức 10 sự kiện bán hàng trực tiếp mỗi tuần.

Làm cách nào để phát hiện hàng giả hàng thật?

Qua vụ đột kích trực tuyến, Phó Tổng giám đốc Teodoro C. Pascua đã kêu gọi các chủ sở hữu thương hiệu bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của họ thông qua việc tung ra các thông tin chính xác về sản phẩm chính gốc của họ lên mạng để từ đó, ngăn chặn việc mua bán hàng giả và giúp khách hàng của họ xác định hàng giả hàng thật tốt hơn.

Pascua nói thêm: “Khách hàng nên biết cách xem xét kỹ lưỡng nhãn mác, bao bì và nội dung. Những người sở hữu tài sản trí tuệ có thể chia sẻ thông tin này một cách tốt nhất, do đó, họ phải thường xuyên trang bị cho khách hàng những mẹo này và nhắc nhở họ luôn cảnh giác khi mua sắm.”

Cũng theo ông Pascua, ngoài các biện pháp trừng phạt dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành, những người bị kết tội vi phạm nhãn hiệu có thể bị phạt tù tới 5 năm và phạt tiền lên tới 200.000 peso.

Ông nói thêm: “Hiện Quốc hội đang xem xét dự luật sửa đổi Bộ luật SHTT để gia tăng án phạt cho các hành vi phạm tội này.”

Theo dữ liệu mới nhất của NCIPR, đã có 33 người vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị kết án vào năm 2019, tăng so với chỉ hai bản án trong năm trước.

-Huntress-