Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thời gian gần đây liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ việc giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam.

Nhiều nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam, như linh kiện, phụ tùng xe máy, đồ tiêu dùng… đã và đang bị giả mạo nhãn hiệu. Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng thuộc ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vận chuyển, kinh doanh, làm giả các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo Honda, Yamada, khóa Việt Tiệp, Nón Sơn, rượu… giả mạo nhãn hiệu.

Phát hiện và xử lý nhiều vụ việc giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam

Liên tiếp thu giữ nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

Vừa qua, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành tiêu hủy một số lượng lớn hàng giả là vật chứng của vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 100 thùng carton, bên trong là hơn 3.300 bộ khóa mang nhãn hiệu Việt Tiệp có bao bì, nhãn mác, mọi thông tin trên sản phẩm đều thể hiện bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, xuất xứ của số hàng hóa trên lại là từ bên kia biên giới.

Đây được xem là vụ buôn hàng giả qua biên giới lớn nhất từ trước đến nay. Để tránh thẩm lậu ra thị trường, toàn bộ 3.300 ổ khóa đã bị cơ quan chức năng tiêu hủy bằng phương pháp thủ công trước sự giám sát của Cục Thi hành án dân sự và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Cùng với 3.300 bộ khóa giả, 400 chiếc máy khoan cầm tay và hơn 14.000 mũi khoan các loại được xác định là hàng giả được nhập lậu trong cùng 2 container cũng bị cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy. Tổng giá trị hàng hóa giả mạo lên tới gần 9 tỷ đồng.

Với thủ đoạn đặt các xưởng gia công ở nước ngoài làm giả với chất lượng thấp và giá thành rẻ, các đối tượng đã tuồn một số lượng lớn khóa giả vào nội địa bằng cách trà trộn trong 2 thùng container và không khai báo hải quan khi nhập khẩu tại cửa khẩu Hoành Mô tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên thủ đoạn này không qua mắt được cơ quan chức năng.

Theo ông Đinh Khắc Khang – Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh: “Từ trước đến nay, đây là vụ lớn nhất buôn hàng giả qua biên giới. Những sản phẩm này nếu không phát hiện sớm, không kịp thời ngăn chặn và tiêu hủy mà để trôi nổi trên thị trường thì sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người tiêu dùng và xáo trộn thị trường”.

Trước đó, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Hòa Bình đã phối hợp với Công an huyện Lương Sơn, Hòa Bình giám sát Công ty cổ phần Việt Pháp Victory thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 33.240 chai rượu vi phạm nhãn hiệu JINRO và nhãn hiệu HITEJINRO; tổng giá trị hàng hóa vi phạm được xác định là hơn 266 triệu đồng.

Đội QLTT số 1 đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Cục QLTT trình Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 228 triệu đồng đối với hành vi “gia công hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu”.