Mới đây, theo quyết định số 741/QĐ-UBND ký ban hành ngày 24/02/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho phép sử dụng địa danh “Nga Sơn” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Dưa hấu Mai An Tiêm – Đặc sản Nga Sơn”.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Khoa học và Công nghệ,Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn; Chủ tịch Hội Dưa hấu Mai An Tiêm huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm triển khai, thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu tập thể “Dưa hấu Mai An Tiêm – Đặc sản Nga Sơn” theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Xã Nga Phú, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) ngày nay, cách đây hàng ngàn năm về trước là một hoang đảo nổi lên giữa biển khơi mênh mông, gắn liền với truyền thuyết về Mai An Tiêm – người có công khai phá xây dựng vùng đất ven biển Nga Sơn, cũng là người trồng dưa hấu nổi tiếng.

Những năm gần đây, diện tích trồng dưa tăng lên đáng kể như năm 2017 thì có 108ha trồng, đến năm 2019 lên đến 126ha và đang tiếp tục tăng lên. Trung bình sản lượng quả từ 28-30 tấn/ha.

Nghề trồng dưa hấu của người dân Nga Sơn, Thanh Hóa trong suốt chiều dài lịch sử

Trên vùng đất Nga Phú và một số xã lân cận còn có nhiều địa danh gắn liền với Mai An Tiêm. Nơi đảo hoang gọi là bãi An Tiêm, ngọn núi xưa kia là hoang đảo được nhân dân đặt tên là núi Mai An Tiêm. Hang đá tương truyền là nơi ở của gia đình Mai An Tiêm khi mới đặt chân lên nơi này được gọi là hang núi Mai An Tiêm. Ở ngôi nhà cũ của Mai An Tiêm thì lập đền thờ hai vợ chồng ông. Những người kế tiếp công việc của hai vợ chồng An Tiêm trên đảo mỗi ngày thêm đông đúc. Họ lập thành làng Mai An Tiêm và dưa hấu Mai An Tiêm là sản vật nổi tiếng ở Nga Sơn.

Trải qua những biến cố thiên nhiên và thăng trầm của lịch sử, nhiều địa danh gắn liền với An Tiêm đã thay đổi. Ngôi đền thờ Mai An Tiêm bị đổ nát hoàn toàn, nhiều đồ thờ bị hư hỏng. Đến năm 1990, chính quyền và nhân dân địa phương đã góp công, góp sức cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã xây dựng lại ngôi đền trên nền móng cũ. Cổng tứ trụ gồm 4 cột theo truyền thống, trên đỉnh trụ đắp Phượng lật, bốn mặt lồng đèn đắp hoa văn trang trí hình Long – Ly – Quy – Phượng.

Địa danh “Nga Sơn” được sử dụng để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Dưa hấu Mai An Tiêm” (ngason.thanhhoa.gov.vn)

Hàng năm, từ ngày 12 đến 15 tháng 3 Âm lịch, tại đền thờ Mai An Tiêm, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, chính quyền và nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội với nhiều hình thức phong phú và hấp dẫn trong đó không thể thiếu hình ảnh quả dưa hấu nhằm khơi dậy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, đức tính kiên trì nhẫn nại và tình yêu quê hương của Mai An Tiêm.