PGS-TS. Phạm Trần Vũ – Trưởng khoa KH&KT Máy tính, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM mới đây đã được USPTO cấp bằng bảo hộ độc quyền cho sáng chế “Hệ thống và phương pháp lập chỉ mục dữ liệu không gian sử dụng tổng chênh lệch ít nhất và cây quyết định nhị phân”.

Hệ thống này chính là thành quả nghiên cứu của PGS.TS Phạm Trần Vũ và cộng sự Nguyễn Đức Hải – Nghiên cứu sinh của Đại học Chicago (Mỹ).

Bằng sáng chế cho “Hệ thống và phương pháp lập chỉ mục dữ liệu không gian sử dụng tổng chênh lệch ít nhất và cây quyết định nhị phân”

Theo PGS.TS Phạm Trần Vũ và cộng sự Nguyễn Đức Hải, sáng chế “Hệ thống và phương pháp lập chỉ mục dữ liệu không gian sử dụng tổng chênh lệch ít nhất và cây quyết định nhị phân” là phương pháp và phần mềm máy tính để quản lý cơ sở dữ liệu của mạng máy tính (Database management systems). Sáng chế này sẽ giúp tối ưu hóa việc lưu trữ và truy xuất dữ liệu cho các ứng dụng IoT (Internet of Things).

Internet of Things (IoT)

Internet of Things, hay IoT, internet vạn vật chính là hàng tỷ thiết bị vật lý trên khắp thế giới hiện được kết nối với internet, thu thập và chia sẻ dữ liệu. Nhờ bộ xử lý giá rẻ và mạng không dây nên giờ đây ta có thể biến gần như mọi thứ trong xã hội thành một phần của IoT. Điều này bổ sung sự “thông minh kỹ thuật số” cho các thiết bị, cho phép chúng giao tiếp mà không cần có sự tham gia của con người.

Trong xã hội ngày nay, do sự tiện lợi của IoT mà càng có nhiều ứng dụng IoT xuất hiện trên thị trường. Các ứng dụng IoT điển hình có thể kể đến như là giao thông thông minh, quan trắc môi trường,… Dẫu rằng các ứng dụng IoT giúp ích rất nhiều cho xã hội, khiến công việc, đời sống của mọi người trở nên tiện lợi hơn, tuy nhiên, ít ai biết rằng đi kèm với sự tiện lợi đó lại là một lượng dữ liệu cần lưu trữ và xử lý khổng lồ đến như thế nào. Điều này là bởi vì những ứng dụng này thường tạo ra một lượng dữ liệu cực kì khổng lồ và liên tục theo thời gian thực khiến việc lưu trữ và xử lý dữ liệu trở nên đặc biệt khó khăn. 

Giải pháp cho vấn đề

Đặc điểm chung của nhóm dữ liệu này là đều có yếu tố không gian (địa lý) và thời gian. Chính vì vậy, PGS.TS Phạm Trần Vũ và cộng sự Nguyễn Đức Hải đã khai thác đặc điểm không gian của dữ liệu để xây dựng giải pháp lập chỉ mục là nhằm tối ưu hoá việc lưu trữ và truy xuất dữ liệu cho các ứng dụng IoT.

Giải pháp ban đầu được ứng dụng trong việc lưu trữ dữ liệu từ các thiết bị định vị cho hệ thống Giao thông thông minh do nhóm nghiên cứu của thầy Phạm Trần Vũ phát triển.

PGS.TS Phạm Trần Vũ chia sẻ thông tin về sáng chế “Hệ thống và phương pháp lập chỉ mục dữ liệu không gian sử dụng tổng chênh lệch ít nhất và cây quyết định nhị phân”

Về ứng dụng này, PGS.TS Phạn Trần Vũ cho biết rằng: “‘Hệ thống và phương pháp lập chỉ mục dữ liệu không gian sử dụng tổng chênh lệch ít nhất và cây quyết định nhị phân’ có thể sử dụng cho nhiều loại dữ liệu khác nhau nếu chúng có đặc điểm không gian (spatial – yếu tố địa lý) với quy mô lớn và cần được xử lý theo thời gian thực, phổ biến với các ứng dụng IoT”.