Noi theo tấm gương của Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, trong vài thập kỉ qua, số lượng con dân Việt Nam ra nước ngoài du học đã ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, trái ngược với kì vọng, hầu hết những người đi du học nước ngoài đều định cư luôn ở quốc gia đó vì những đãi ngộ tuyệt vời mà Việt Nam khó thể mang lại. Dẫu vậy, câu chuyện nào cũng có yếu tố ngoại lệ, điển hình như câu chuyện của Tiến sĩ Lê Nguyên Khương bỏ việc với mức lương 54.000 Euro/năm để về Việt Nam dạy học hoặc gần đây là câu chuyện của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tràng với 57 bằng sáng chế và mức lương 48.000 USD/năm tại Anh về Việt Nam để lập công ty khởi nghiệp.

TS Nguyễn Văn Tràng, quê quán tại Bắc Ninh vốn đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ LiFi, Đại học Edinburgh (Anh), theo đuổi các giải pháp công nghệ truyền dữ liệu qua ánh sáng.

‘Ông trùm’ sáng chế trở về đất mẹ với khát vọng mang công nghệ số hóa ánh sáng cho tổ quốc. Ảnh: NVCC

Là một thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết với 57 bằng sáng chế mang tên mình, Tràng nhận được mức lương nghiên cứu hơn 4.000 USD mỗi tháng cùng chế độ y tế, giáo dục miễn phí và cơ hội định cư lâu dài cùng gia đình mình tại Anh. Tương lai tràn đầy tiềm năng phát triển và cơ hội thăng tiến, cùng một môi trường sống hoàn hảo để nuôi dạy con cái như thế, không ai có thể đoán được rằng có một ngày anh lại quyết định về Việt Nam để khởi nghiệp.

Tràng cho biết rằng dẫu rằng anh đã đạt được thành công nơi đất khách xa lạ, trong thâm tâm anh vẫn luôn hướng về đất mẹ. Nhận thấy rằng Việt Nam vẫn còn nhiều lĩnh vực có thể được phát triển thêm, đặc biệt là lĩnh vực về đèn chiếu sáng thông minh, Tràng đã nhận thấy được cơ hội ứng dụng công nghệ đèn chiếu sáng thông minh nhận diện giọng nói, cử chỉ nhờ công nghệ AI, dùng ánh sáng để truyền dữ liệu thay vì dùng sóng Wifi,…

Hành trình ‘giải cứu đất nước’

Hành trình trở về quê ‘giải cứu đất nước’ của anh đã được nhen nhóm từ năm 2019. Ban đầu, gia đình anh đã khuyên anh không nên trở về Việt Nam vốn đãi ngộ không thể nào tốt được bằng ở Anh. Tuy nhiên, lời động viên của người vợ hiền chính là điều đã thôi thúc anh quyết định trở về đất mẹ để khởi nghiệp đồng thời phát triển đất nước. Được biết, vợ anh đã bảo: “Quyết định này là ở anh, dù thế nào gia đình luôn ủng hộ.”

Cuối năm 2019, Tràng bắt đầu tập hợp các thành viên cùng chung nguyện vọng khởi nghiệp tại Việt Nam. Anh đã thu hút được mười cộng sự là bạn bè, đồng nghiệp nghiên cứu của anh. Tất cả đều cùng chung khát vọng mang công nghệ số hóa ánh sáng cho Việt Nam. Nắm trong tay các sáng chế công nghệ và bằng số vốn các thành viên tự góp, tháng 4/2021 Tràng về nước và thành lập startup Huepress tại Hà Nội.

Tràng chia sẻ rằng vì hạn chế về nguồn vốn đầu tư, Huepress dự định sẽ bắt đầu nghiên cứu từ con chip đến ứng dụng điện thoại cho người dùng để sản xuất các loại đèn chiếu sáng thông minh. Khi có đủ lợi nhuận và tầm ảnh hưởng, Huepress sẽ tái đầu tư phát triển công nghệ LiFi tại Việt Nam và vươn ra toàn cầu.

Huepress định hướng bước đầu cung cấp sản phẩm và ánh sáng thông minh.
Đèn thông minh có thể điều chỉnh màu sắc ánh sáng trên điện thoại. Ảnh: NVCC.

Được biết, công nghệ LiFi này nếu nghiên cứu thành công sẽ có khả năng thay thế hoàn toàn mạng Wifi hiện tại trên toàn thế giới. Bởi hiện tại sóng điện từ Wifi dù ít dù nhiều sẽ có khả năng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người và vẫn bị hạn chế về đường truyền. Tuy nhiên, Lifi, theo tiến sĩ Tràng, thì hoàn toàn không có tác dụng phụ và có thể sử dụng ánh sáng đèn điện thông thường để truyền dữ liệu với tốc độ lên đến TB/giây.

Tuy nhiên, Tràng cũng cho biết rằng việc thương mại hóa công nghệ này sẽ có chút khó khăn bởi nó sẽ cần có cơ sở hạ tầng đủ mạnh như 5G, 6G để tải lượng dữ liệu lớn.

Ở giai đoạn đầu, Huepress đã liên kết với các đối tác sản xuất đèn thông minh, quy mô công nghiệp và kênh phân phối tại Việt Nam. Theo dự kiến sản phẩm sẽ ra mắt vào tháng 9/2021 tuy nhiên do dịch Covid-19 nên nhóm sẽ cần thêm thời gian để có thể đưa sản phẩm này đến tay người tiêu dùng.