Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) định nghĩa Sở hữu Trí tuệ (SHTT) là những sáng tạo liên quan đến hoạt động trí tuệ. SHTT bao gồm các sáng chế, tác phẩm văn học, nghệ thuật, tên và hình ảnh được sử dụng cho mục đích thương mại. SHTT có thể được bảo vệ với bằng sáng chế, bản quyền và nhãn hiệu. Những quyền SHTT này sẽ đảm bảo rằng người tạo ra tài sản thu được lợi ích tài chính từ chúng.

Nhưng việc phạm sai lầm khi nộp đơn đăng ký tài sản SHTT có thể làm giảm cơ hội của doanh nghiệp trong việc giành được lợi ích từ những sáng tạo của họ. Thế giới kinh doanh đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện liên quan đến việc các công ty mất tài sản SHTT vì những sai lầm nghiêm trọng. Bài viết này sẽ đề cập đến 3 trường hợp nổi tiếng nhất trong số các câu chuyện trên.

Google vs Art+Com

Terra Vision là một phần mềm khá giống với Google Earth. Đây là một chương trình mô phỏng Trái đất được tạo ra từ các hình ảnh từ vệ tinh. Terra Vision được phát triển bởi công ty kiến ​​trúc Art+Com của Đức và được lên ý tưởng từ những năm 1990. Các nhà phát minh đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho Terra Vision tại Đức vào tháng 12 năm 1995. Sau đó, họ cũng đã được cấp bằng cho sáng chế của mình tại Hoa Kỳ vào năm 2013.

Để tăng mức độ phổ biến cho phần mềm của mình, Art+Com đã tới Thung lũng Silicon. Đây là nơi những nhà phát triển Terra Vision là Joachim Sauter và Juri Muller đã gặp kỹ sư phần mềm Brian McClendon, trước khi anh làm việc tại Google. Những nhà phát triển sau đó đã tuyên bố rằng McClendon đã sử dụng thuật toán của Terra Vision để tạo Google Earth ra mắt vào năm 2001.

Với khiếu nại này, Art+Com đã đệ đơn kiện Google vào năm 2014. Chính trong quá trình tố tụng của vụ kiện này, Art+Com đã tiết lộ những liên hệ của họ với Google về một thỏa thuận liên quan đến việc bán bằng sáng chế của Terra Vision từ năm 2006. Tuy nhiên, theo Art+Com, Google đã mặc cả giá công nghệ của họ, và đưa ra số tiền thấp hơn nhiều so với giá yêu cầu. Do đó, Art+Com đã không thể bán đi công nghệ của họ. Nhưng cuối cùng, Google đã là bên thắng kiện vì công nghệ của Terra Vision đã được một bên thứ ba trình bày công khai vào năm 1994—một năm trước khi Art+Com nhận được bằng sáng chế tại Đức.

Barbie vs Bratz

Một vụ việc SHTT đáng nhớ khác là vụ tranh chấp quyền SHTT giữa nhà sản xuất búp bê Barbie, Mattel, và chủ sở hữu búp bê Bratz, MGA Entertainment vào năm 2008. Tranh chấp này đã xảy ra với lý do người tạo ra búp bê Bratz là Carter Bryant, đã hoàn thiện búp bê Bratz trong thời gian ông đang làm việc cho Mattel. Ông sau đó đã bán ý tưởng về búp bê Bratz cho MGA Entertainment hai tuần trước khi rời Mattel. Theo Mattel, đây là hành vi xâm phạm quyền SHTT của họ. Nhưng Bryant lại tuyên bố rằng ý tưởng về búp bê Bratz đã xuất hiện tại nhà của ông, giữa các khoảng thời gian ông làm việc tại Mattel.

Búp bê Bratz đã rất nổi tiếng ngay từ thời điểm được ra mắt và mang về 1 tỷ đô la Mỹ doanh thu mỗi năm. Búp bê Bratz có thể sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh đầu tiên đối với Barbie sau khoảng thời gian dài. Điều này đã giải thích tại sao phía Mattel lại quyết định khởi kiện. Mattel sau đó đã thắng vụ kiện ban đầu và yêu cầu MGA Entertainment phải trả 100 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại. Mattel cũng yêu cầu MGA Entertainment chuyển giao quyền nhượng quyền thương mại Bratz cho Mattel.

Tuy nhiên, MGA Entertainment lại không chấp nhận kết quả như vậy một cách dễ dàng. Họ đã xin tòa phúc thẩm và vụ việc được xét xử lại vào năm 2010. Lần này, tòa án cho rằng Mattel không có căn cứ để khiếu nại vi phạm. Thay vào đó, phiên tòa kết thúc với phán quyết Mattel đã đánh cắp bí mật thương mại từ MGA Entertainment và gây thiệt hại 309 triệu đô la Mỹ cho MGA Entertainment.

(còn tiếp)