Nếu một tài sản trí tuệ như sáng chế được đăng ký trong lãnh thổ phạm vi một quốc gia thì liệu nó có được bảo hộ tại các quốc gia khác hay không? Câu trả lời là ‘Không’ nhưng đây là một nhầm lẫn rất phổ biến đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà sáng tạo, khởi nghiệp mới gia nhập thị trường.

Khi đăng ký nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp theo phương thức nộp đơn truyền thống, các nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng đó sẽ chỉ có phạm vi bảo hộ trong quốc gia mà người nộp đơn đăng ký, chứ không có hiệu lực toàn cầu.

Để đăng ký toàn cầu thì người nộp đơn cần tự nộp từng đơn đăng ký đối với từng quốc gia mong muốn bảo hộ hoặc đăng ký theo các hiệp ước, công ước quốc tế cho phép bảo hộ tài sản trí tuệ tại nhiều quốc gia một lúc như Nghị định thư Madrid đối với nhãn hiệu hay Hiệp ước PCT đối với sáng chế, Thỏa ước La Hay đối với kiểu dáng công nghiệp,…

Việt Nam hiện đã tham gia ký kết nhiều hiệp ước sở hữu trí tuệ toàn cầu do đó người dân, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ quốc tế với một đơn đăng ký duy nhất, đóng một phí duy nhất và đăng ký bảo hộ được tại nhiều quốc gia trong hệ thống.

Nhầm lẫn trong phạm vi bảo hộ, giải quyết thế nào?

Nếu doanh nghiệp chỉ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ tại Việt Nam thì khó có thể ngăn cản các doanh nghiệp ở quốc gia khác ăn trộm tài sản trí tuệ đó như nhãn hiệu, phương thức và quy trình sáng tạo (sáng chế), thiết kế chai (kiểu dáng),… và áp dụng cho chính doanh nghiệp của họ. Điều này là đặc biệt rõ ràng đối với các quốc gia tuân theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên First-to-file bởi lẽ nếu theo nguyên tắc sử dụng đầu tiên First-to-use thì sau khi có tranh chấp vẫn sẽ có cơ sở, lập luận để cãi lại.

Hiện tại, trường hợp này hiếm thấy trên thị trường bởi lẽ một doanh nghiệp nhỏ dù có đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam cũng sẽ khó có sức hút để mà bị ăn trộm bởi các doanh nghiệp tầm cỡ nước ngoài. Ngược lại, các doanh nghiệp lớn thông thường sẽ nắm khá rõ về luật sở hữu trí tuệ và phạm vi bảo hộ giữa các quốc gia nên họ đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng quốc tế từ lâu.

Đối với những thị trường không nằm trong các thỏa ước quốc tế như Bắc Triều Tiên và các thị trường khó có tiềm năng kinh doanh thì sẽ không nằm trong trọng tâm của các quốc gia này.

Đối với doanh nghiệp tầm cỡ, danh dự, uy tín của họ là quan trọng hơn cả nên chắc chắn họ sẽ không thực hiện hành vi ăn trộm tài sản trí tuệ, dù đúng luật hay không đúng luật và tận mọi khả năng dập tắt các scandal nhanh nhất có thể.

Do quan hệ kinh doanh phức tạp nên đôi khi, các doanh nghiệp Việt Nam do tin tưởng vào đối tác của mình sẽ không tìm hiểu quá sâu về sở hữu trí tuệ, do đó đã vô tình vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ nào đó.

Trong trường hợp đó, doanh nghiệp nên đàm phán với bên tố cáo sau khi đã tìm hiểu kĩ thông tin về tài sản vi phạm, hành vi vi phạm và chứng nhận đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của họ, tránh trường hợp bị tố oan không chứng cứ.

Nếu thật sự doanh nghiệp đã vô tình xâm phạm tài sản trí tuệ thì cần phải hợp tác với thiện chí để giải quyết vụ việc. Đối với nhãn hiệu, thương hiệu thì thông thường sẽ bị yêu cầu gỡ bỏ hoặc đổi tên, logo. Đối với sáng chế thì cả 2 bên có thể xem xét đạt được thỏa thuận hợp tác chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế.