Là một vùng đất thấp, thường xuyên bị ngập nước, Cà Mau là một khu vực khó canh tác. Máy cày Tư Rô ra đời là câu trả lời cho những khó khăn của bà con nơi đây. Tuy chỉ học hết lớp 4, ông Tư Rô đã có nhiều sáng chế hữu ích cho người dân đất Cà Mau.

Đi theo tiếng gọi của người làm nông

Ông Tư Rô, tên khai sinh là Nguyễn Văn Rô, 57 tuổi, là một người con đất Cà Mau. Sinh ra trong một gia đình nhà nông, ông Rô có niềm đam mê đặc biệt đối với máy móc. Khi trưởng thành, Tư Rô đã tự mày mò nghề sửa chữa máy móc ở địa phương.

Sau này, ông được đưa vào làm Giám đôc của một Hợp tác xã chuyên về xây dựng. Nhờ vậy, ông được đi nhiều nơi, lắng nghe và cảm giác được những lời than phiền của nhà nông. Những lời than phiên dó là vì sự ô nhiễm môi trường, dẫn đến nuôi tôm, canh tác ngày càng khó khăn. Từ đó, ông quyết bỏ nghề xây dựng, chuyên tâm nghiên cứu chế tạo máy cày; hỗ trợ cải thiện công việc của người dân.

Hành trình phát triển máy cày Tư Rô

Sau nhiều ngày đau đầu tìm kiếm ý tưởng, ông Tư Rô tìm ra cảm hứng của mình với chiếc máy xới cỏ ở sân bóng nhân tạo. Chiếc máy này có nhiều điểm tương đồng với cấu trúc của máy cày thông thường; có điều chiếc máy xới cỏ nhẹ và dễ sử dụng hơn nhiều. Qua đó ông Tư Rô đặt mục tiêu cho sản phẩm của mình: Máy cày nhẹ, có thể nổi trên nước; dễ di chuyển trong vùng kênh rạch miền Tây Nam Bộ.

Những cải tiến trên máy cày Tư Rô

Máy cày Tư Rô
Máy cày Tư Rô trên thực tế

Đầu tiên, Tư Rô hiện thực hóa mục tiêu “nhẹ hóa” chiếc máy cày. Đầu tiên ông sử dụng inox 304 thay thế các linh kiện bằng sắt của máy cày thông thường. Điều này giảm trọng lượng của máy cày từ 150KG xuống còn 100KG.

Để có thể giúp máy cày nổi trên vùng sông nước miền Tây, ông đã lắp thêm các thùng hình trụ ở trong khung của các bánh lồng. Ông giải thích: “Các thùng hình trụ có cửa nạp và xả chất lỏng. Trong khi di chuyển máy qua sông hoặc kênh rạch, quá trình thao tác trên vùng đất ngập nước, thùng sẽ được tháo toàn bộ chất lỏng để tạo độ nổi cho máy. Nhờ vậy, máy di chuyển dễ dàng trên mặt nước kênh, rạch mà không cần phải cho máy lên ghe, xuồng để vận chuyển đến nơi canh tác…”.

Bên cạnh đó, ông Rô cũng lắp thêm lưỡi cày có khả năng điều chỉnh độ cao theo phương thẳng đứng. Tính năng này cho phép thay đổi độ sâu của đất cần được cày xới.

Máy cày Tư Rô: Máy cày ước mơ nhà nông

Ông Tư Rô đặt một cái tên thân thương cho “đứa con” của mình: Máy cày ước mơ nhà nông. Và đúng như tên gọi, máy cày Tư Rô chính xác là một chiếc máy cày đáp ứng được nguyện vọng của bà con. Ông đạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau lần thứ 6 năm 2018-2019; Cục Sở hữu Trí tuệ cũng đã công nhận “Sản phẩm độc quyền về giải pháp hữu ích” cho máy cày Tư Rô.

Nhưng không ngủ quên trên danh vọng, ông Tư Rô luôn lắng nghe ý kiến của bà con; lấy niềm vinh dự từ giải thưởng làm động lực để cải tiến sản phẩm. Đến nay, ông đã cho ra đời 3 loại máy cày siêu nhẹ: máy cày cải tạo đất nuôi tôm; máy cày phục vụ đất mềm; máy cày phục vụ đất bùn lầy và ngập nước.

Ông Rô còn dự định sáng chế thêm máy cày hỗ trợ những người trồng rau. “Máy tạo ra được rồi nhưng còn vấn đề là làm sao đến được tay người dân, bởi đã có nhiều người đặt hàng nhưng tôi chưa đủ tiềm lực kinh tế để đáp ứng”; ông Tư Rô tâm sự.

Một giải pháp hữu ích thiết thực cho đời sống nhà nông

Đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của bà con; máy cày Tư Rô là một trong những điểm sáng của Sáng tạo Việt. Nhưng không đi xa rời thực tiễn, chiếc máy cày là bạn của nhà nông; giá thành ông Tư Rô cũng ko đề bạt một mức trên trời, chỉ ở mức 12-16 triệu đồng. Ông Rô tự tin: “Máy cày của tôi có thể lội ngang sông Cái Tàu chứ nói gì qua các kênh, mương, đầm tôm”.

-Iron Castle-