Với sự phát triển của các công cụ truyền thông ngày nay thì việc trở nên nổi tiếng là dễ dàng hơn bao giờ hết. “Nhạc chế” có lẽ là mảnh đất màu mỡ để các “ca sĩ nửa mùa” khai thác; giúp cho tên tuổi của mình đi lên. Với chất liệu nền là từ một ca khúc gốc đang thịnh hành, các “chế sĩ” thực hiện thêm vài thao tác xào nấu lại vậy là có thêm một sản phẩm hoàn chỉnh đến tay người xem.

Làm giàu trên công sức của người khác?

Trước đây việc chế lại nhạc chỉ dừng ở mức sửa đổi lại lời bài hát. Chúng được hát cho vui, đem lại tiếng cười cho mọi người. Tuy nhiên, hiện nay công đoạn “xào nấu” của những clip; những MV nhạc chế được đầu tư không thua gì các ca sĩ chuyên nghiệp. Chúng hot không kém gì sản phẩm gốc khi mà sở hữu được lượt view khủng.

Dạo trên top trending của Youtube, chúng ta có thể điểm được một số “gương mặt vàng” của làng chế nhạc. Họ thậm chí còn sở hữu đội ngũ ekip chuyên nghiệp, ví dụ như: Hậu Hoàng, Didi, Long.C,… Theo đó là các sản phẩm triệu view như: Đại chiến rùa và thỏ; Kỳ nghỉ tết huyền thoại; Chuyện cô bé lọ lem (DiDi – Long.C),… Chuyện có bé lọ lem từng vào top 1 trending sau hơn 5 ngày ra mắt và còn nhiều sản phẩm khác.

Chưa bàn đến chất lượng, chúng ta có thể thấy thực trạng sự phát triển của nhạc chế trên thị trường âm nhạc hiện nay. Với một số người đây có thể là những sản phẩm đem lại tiếng cười và sự giải trí. Tuy nhiên, đối với một vài cá nhân khác thì đây là “bình diện chung không sáng sủa của đời sống âm nhạc”, theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long.

Khi gõ từ khóa “nhạc chế” trên thanh tìm kiếm của Google. Ảnh: Hà Nội mới

Ảnh hưởng đến từ nhạc chế

Theo nhìn nhận của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long về nhạc chế trong quá khứ: “Có thể nó được chế ra từ sự chiêm nghiệm; trải đời của chính người hát. Hoặc bởi những người có nghề như diễn viên hài; đạo diễn; biên kịch; nhạc sĩ với nhiệm vụ xây dựng một tiết mục hài hay tiểu phẩm nhằm phục vụ khán giả”. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm nhạc chế hiện nay đều có hình ảnh và ca từ không đẹp đẽ. Thậm chí được chế theo hướng giang hồ nhảm nhí, thiếu lành mạnh nhằm câu view.

Điều này khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng khi thấy con em mình thuộc lòng những ca khúc như vậy. Thật vậy, trẻ em như tờ giấy trắng. Việc xem những sản phẩm chế có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến ngôn ngữ; hành động và cách ứng xử của chúng.

Vấn đề bản quyền

Hiện nay, Youtube đã đưa ra những quy định chặt chẽ về việc quản lý bản quyền. Hầu như người chế nhạc đều phải xin phép tác giả và mua tác quyền ca khúc. Tuy nhiên, trên thực tế, những vụ xâm phạm về bản quyền thường được xử lý bằng con đường hòa giải nhằm giữ uy tín cho nhau. Đồng thời với tinh thần tránh rắc rối trong quá trình khởi kiện hành chính.

Theo Luật SHTT các tác phẩm nhạc chế là các tác phẩm phái sinh. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN -VCPMC khẳng định: Muốn làm nhạc chế hay viết lời khác cho một tác phẩm thì phải được sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Như vậy, nếu mỗi nghệ sĩ nắm bản quyền ca khúc gốc chặt chẽ hơn trong việc quyết định cho ai chế ca khúc của mình; chế như thế nào thì sẽ hạn chế được những “chế phẩm” âm nhạc kém chất lượng; gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ âm nhạc của cộng đồng.

Ngoài việc vắt chất xám tạo ra một tác phẩm, một ca khúc, các nghệ sĩ còn phải quan tâm đến việc đăng ký bản quyền tác phẩm nhằm tránh việc bị đạo, nhái. Do đó, cần lên án hành vi chế lại ca khúc khi chưa được sự đồng ý của tác giả; đặc biệt là khi gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ âm nhạc và giá trị của tác phẩm gốc. Các nghệ sỹ cần phải chú ý hơn đến vấn đề đăng ký bản quyền nhằm bảo vệ đứa con tinh thần của mình.

– Vicma –