Sản xuất nhỏ lẻ, hướng tới người dùng thượng lưu, quả thật là một chiến lược ít ai áp dụng. Thế nhưng chính cách tiếp cận đó đã biến Vertu đã trở thành một trong những “ông vua” của xứ điện thoại. Song, một “ông vua” xa xỉ, bóng bẩy vẻ bề ngoài thường chẳng hưởng phúc thống trị được lâu dài. Vertu đã có những thành công nhất định về thương hiệu. Nhưng cuối cùng họ gục ngã do chính sự “cao sang” của mình. Sau đây, hãy cùng VietnamIPLaws tìm hiểu về “thuở lập nước, trị vì và sụp đổ”của vương triều mang tên “Vertu”.
Một ý tưởng “điên rồ” hay “bứt phá”?
“Nếu một cái đồng hồ có thể đáng giá 20.000 USD, chẳng có lý gì mà một chiếc điện thoại lại không thể.”
Vâng, đó là một lời khẳng định quả quyết, cũng là châm ngôn đối với các sản phẩm của Vertu. Lời khẳng định này đến từ cựu thiết kế trưởng người Ý của Nokia, Frank Nuovo. Nhận thấy các hãng đồng hồ có thể trở thành một loại trang sức đắt tiền, Nokia không thể không tham gia. Hãng muốn đưa chiếc điện thoại của mình vượt qua một sản phẩm công nghệ; biến sản phẩm của mình thành một món hàng xa xỉ, cao cấp. Năm 1988, Nokia chấp thuận lời đề nghị của Nuovo. Vertu được đăng kí nhãn hiệu như một công ty con của Nokia. Vào năm 1999, Nokia thử nghiệm sản phẩm sang trọng đầu tiên của hãng, mẫu Nokia 8850.
Tiền đề cho một “vương triều”
Nokia 8850 được đánh giá như một bản nâng cấp của mẫu 8210. Chiếc điện thoại này sở hữu một lớp vỏ bằng hợp kim, vừa nhẹ vừa bền. Điều này khiến cho chiếc Nokia trông cứng cáp và bền bỉ hơn nhiều so với các điện thoại trên thị trường. Sự bền bỉ cũng là thứ mà người dùng sẽ vẫn còn lưu luyến mãi khi nhắc đến Nokia.
Vốn là một nhà tiên phong trong ngành sản xuất điện thoại, Nokia rất biết cách nắm bắt người dùng. Chiếc 8850 này còn có một phần bảo vệ bản phím cũng được làm từ hợp kim. Bộ phận này có thể trượt lên và xuống dễ dàng. Tính năng này làm cho chiếc 8850 không chỉ bảo vệ bàn phím tốt hơn mà còn rất sành điệu. Song, Nokia 8850 lại là một chiếc điện thoại không thể sửa chữa bảo trì. Cho nên chiếc điện thoại 8850 còn nguyên vẹn tới nay chỉ còn lại trong bộ sưu tập của các nhà sưu tầm. Ngoài ra, mẫu 8850 này cũng có phiên bản mạ vàng.
Lập địa, khai phá
Năm 2002, mẫu sản phẩm đầu tiên của Vertu “lên kệ”. Hướng tới việc trở thành một nhãn hiệu thể hiện đẳng cấp của người sử dụng, Vertu mang những nét đặc trưng mà không một hãng nào có thể so sánh. Từng chiếc điện thoại của Vertu đều được gia công và lắp đặt thủ công 100%; điều đó có nghĩa là nó có độ tỉ mỉ hơn hẳn so với máy móc (thời bấy giờ). Không những vậy, nguyên liệu làm nên một chiếc điện thoại Vertu đều là các nguyên liệu bền, hiếm và có giá trị trang sức cao.
Mỗi chiếc điện thoại Vertu có giá bán từ vài nghìn cho tới vài chục nghìn USD. Không lâu sau khi sản phẩm đầu tiên được bày bán, Vertu mau chóng trở thành “món trang sức” thể hiện đẳng cấp và sự xa xỉ của người dùng.
Những thành công liên tiếp
Năm 2003, mẫu Vertu “Signature”, đúng như tên gọi của mẫu này, trở thành biểu tượng cho hãng điện thoại Vertu. Liên tục các mẫu sau đó là Ascent (2004), Constellation Classic (2006), Constellation Ayxta (2009) đều gặt hái được những thành công nhất định cho Vertu. Với mẫu Ascent, Vertu trở thành một chiếc điện thoại bền, nhẹ với những họa tiết tinh tế từ nhôm hoặc titanium; đồng thời không kém phần sang trọng từ các điểm nhấn từ da thuộc và cao su. Ở mẫu Ayxta, Vertu lại “gập mình”, trở thành một chếc điện thoại có thể gập được. Mẫu Ayxta cũng có đa dạng màu sắc và chất liệu để lựa chọn.
Có thể thấy, dù là một chiếc điện thoại chú trọng về diện mạo, Vertu vẫn biết cách đổi mới sản phẩm. Điều đó nhằm thu hút nhiều khách hàng thượng lưu hơn.
Ngoài ra, mua Vertu là mua cả một khối dịch vụ khách hàng của hãng này. Bảo mật của Vertu có thể được biết là đẳng cấp bậc nhất nhì thế giới. Hơn nữa, Vertu luôn sẵn sàng một người hỗ trợ giúp việc 24/24 dành cho mỗi chủ sở hữu. Người dùng Vertu còn được kết nối không giới hạn tới các chuyên gia và cố vấn an ninh hàng đầu thế giới.
Xa xỉ, sang trọng là vậy, nhưng Vertu gặp phải không ít các chỉ trích từ cộng đồng tiêu dùng. Có những lời lẽ thô thiển tới mức gọi Vertu là “cục rác đắt tiền”.
Phát búa đầu tiên giáng vào trụ cột
Nếu ví với một quốc gia, thì có thể ví Vertu với nước Mỹ. Nước Mỹ có một nguồn tài nguyên dồi dào để khai thác. Vertu, với sự hẫu thuẫn của nhà tiên phong Nokia, cũng vậy. Song, khác với tài nguyên nước Mỹ, tài nguyên của Nokia thì chuẩn bị “lọt hố”.
Năm 2007, iPhone ra đời, đánh cột mốc cho sự khai mào của triều đại “điện thoại thông minh”. Trong khi đó, Nokia vẫn chiễm chệ trên ngai vàng của điện thoại. Quá chủ quan về vị thế của mình, Nokia đã “đột quỵ” trong lúc cố gắng bắt kịp với Apple. Cú hích này gây ra khủng hoảng cho Nokia nói chung, và Vertu – công ty con của Nokia nói riêng.
Không còn sự hậu thuẫn của “cha đẻ”, gã “công tử” sáng ngời ngày nào giờ đây đối mặt với hàng ngàn rủi ro. Trong triều đại smartphone, người dùng dần quan tâm tới hiệu năng, tính năng trên sản phẩm hơn là một “cục vàng nghe gọi”. Đây là lý do mà Vertu mất đi hàng loạt khách hàng quen thuộc.
Lưu vong và suy tàn
Để có thể duy trì sự sống cho “cố vương” Nokia, Nokia quyết định bán lại Vertu; nhưng vẫn giữ lại 10% cổ phần. Năm 2012, Nokia đã bán Vertu cho quỹ đầu tư EQT VI (Thụy Điển) với giá 334 triệu USD. Nhưng cuộc đầy ải của Vertu không ngừng lại ở đó. Chỉ trong vòng 3 năm, Vertu đã phải lưu trú dưới sự sở hữu của quỹ đầu tư Godin Holding (Hồng Kông); sau đó là chủ sở hữu Murat Hakan Uzan tại Paris. Điều nực cười hơn nữa, Murat Hakan Uzan là doanh nhân người Thổ Nhĩ Kì lưu vong tại Paris.
Trải qua nhiều thương vụ chuyển đổi quyền sở hữu, Vertu không thể trụ vững trên thị trường điện thoại thay đổi mỗi ngày. Ngày 13/07/2017, Vertu chính thức “gục ngã”, ngừng hoạt động và có số tiền nợ lên đến 165.4 triệu USD.
Một dĩ vãng đáng nhớ
Sự sụp đổ của Vertu có thể coi là tất yếu. Bởi lẽ trong thời đại suýt soát cuộc cải cách công nghệ 4.0, thì một gã “màu mè” có tài sản nhưng không có thực lực sẽ không thể nào trụ lại trên thương trường. Từng là một gã uy hiếp thị trường, chơi bời với những kẻ giàu có bậc nhất thế giới; những gì còn lại của Vertu chỉ còn là những bộ sưu tầm đắt giá, như một bài học để đời cho các hãng khác noi theo.
Nhưng mọi thứ chưa chắc đã chấm hết đối với chàng “công tử” này. Còn nhớ Nokia từng thất bại tới mức Microsoft cũng phải bỏ rơi; nhưng Nokia đã vực dậy sau những thất bại trong ngành điện thoại. Điều này có nghĩa không thể nói rằng Vertu sẽ không có cơ hội thứ hai. Câu hỏi chỉ còn lại là: ai sẽ là người có thể thu nạp và hồi sinh Vertu? Liệu viễn cảnh sum họp hai cha con nhà Nokia này có thể xảy ra không?
Quả đúng là “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, các cụ nói cấm có sai.
-Iron Castle-