Kể từ khi tàu Apollo 11 hạ cánh trên Mặt Trăng vào ngày 20 tháng 7 năm 1969, người dân toàn thế giới đã tìm kiếm một cơ hội để để lại dấu ấn của mình trong lịch sử như những gì Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin đã làm.

Bước chân lịch sử

Giờ đây, sứ mệnh mặt trăng Chandrayan-3 cũng muốn đi theo bước chân của Apollo 11. Con tàu khám phá mặt trăng của Ấn Độ được dự kiến sẽ phóng lên vũ trụ vào đầu năm 2021. Đây là lần thứ hai Ấn Độ thử hạ cánh xuống bề mặt dự định của mặt trăng sau khi rút kinh nghiệm từ những thất bại của dự án trước.

Chandryaan-3 về cơ bản là một dự án Chandrayan-2 thứ 2. Sứ mệnh này cũng sẽ bao gồm một tàu đổ bộ (lander) và tàu thám hiểm (rover) tương tự như sứ mệnh Chandrayan-2. Tuy nhiên điểm khác biệt là sứ mệnh lần này không có tàu quỹ đạo (orbiter). Đồng thời, Chandrayan-3 cũng được cải tiến thiết kế nhằm gia tăng khả năng hoàn thành mục tiêu dự định.

Tàu Chandrayan-2 phóng lên vũ trụ. Ảnh: weather

Giao thoa với Luật SHTT

Tuy nhiên, điều thú vị ở sứ mệnh mặt trăng này là nó tạo nên một sự va chạm giữa Quyền SHTT và Luật Vũ Trụ.

Ankita Sabharwal – Cộng sự của công ty luật Chadha & Chadha cho biết: “Cụ thể, các bằng sáng chế cho một hệ thống hay một phương pháp nào đó với ý định được tiến hành sử dụng trong không gian có thể sẽ phải chịu hạn chế nhằm tuân thủ luật pháp.”

Điều này là bởi vì các quyền sáng chế thường đi chung với quyền quốc gia. Do đó, để có thể tối ưu hóa đầy đủ các quyền lợi của bằng sáng chế trong không gian, luật SHTT trên mặt đất cần phải cân nhắc đến việc mở rộng phạm vi lên vũ trụ.

Hợp tác cùng phát triển

Theo cô Sabharwal: “Các tổ chức quốc tế bao gồm Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) và Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đang giúp đỡ các quốc gia trong việc mở rộng phạm vi thực thi luật sáng chế đối với các phát minh liên quan đến không gian.”

Do đó, để đảm bảo việc thực thi luật SHTT hiệu quả trên vũ trụ, ta cần có sự đoàn kết nhất trí của toàn thế giới, cùng nhau chung tay xây dựng nên một bộ luật phù hợp với lợi ích của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.

Ảnh hưởng đến nền kinh tế

Do tiềm năng thương mại rộng lớn trong không gian vũ trụ cũng như việc tư nhân hóa hoạt động khám phá không gian trong thời đại mới, các chủ doanh nghiệp và các nhà phát minh sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ bản quyền sáng chế.

Ngoài “tính độc quyền” hiển nhiên, chủ sở hữu doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ các “lợi ích phụ” đi kèm của bằng sáng chế. Điều này bao gồm “vị trí thống lĩnh thị trường” cũng như “phạm vi sở hữu” – thứ được trao cho chủ sở hữu đăng ký sáng chế.

Hơn nữa, việc mở rộng phạm vi thực thi quyền của bằng sáng chế lên lĩnh vực không gian vũ trụ sẽ cung cấp cho các nhà phát minh động lực cần thiết để tiến hành nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều sáng chế, phát minh hơn trong lĩnh vực này.

Vũ trụ – biên giới cuối cùng của nhân loại

Với các quốc gia đang có nguồn lực và dã tâm “thống trị không gian”, chắc chắn rằng quyền sở hữu trí tuệ – cụ thể là quyền sáng chế sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc chinh phạt vũ trụ.

Du hành vũ trụ vốn là những chuyến phiêu lưu đầy nguy hiểm và cực kì đắt đỏ. Thậm chí dù có dành hàng ngàn, hàng vạn năm “bơi giữa các vì sao” thì ta cũng chỉ có thể khám phá được một phần nhỏ bé của vũ trụ này. Nhưng dẫu vậy, tại sao thay vì tập trung vào phát triển Trái Đất, các quốc gia vẫn luôn không tiếc đổ tiền vào công cuộc chinh phạt vô bờ bến này?

Đơn giản bởi vì khám phá vũ trụ sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân loại. Các công nghệ như dự báo thời tiết, hệ thống liên lạc toàn cầu, kiểm soát không lưu, … chỉ có thể trở thành hiện thực qua việc tận dụng hết tiềm năng của vũ trụ. Vậy nên, điều ta cần làm lúc này là nghiên cứu, cập nhật các thông tin liên quan đến luật sở hữu trí tuệ – cụ thể là về quyền sở hữu công nghiệp bởi trong tương lai không xa, các phát minh và sáng chế trên vũ trụ chắc chắn sẽ trở thành chủ đề “nóng nhất” thế giới.

-Monster Hunter-