Trong bối cảnh NFT (Non-fungible Token) hay các Token không thể thay thế đang dần trở nên phổ biến và có giá trị hơn, nhiều người nổi tiếng đang cố gắng tham gia thị trường này bằng cách mua NFT hay thậm chí tự tạo ra NFT của riêng mình. Tuy nhiên, các dự án NFT của họ vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn bởi NFT thường liên quan đến sự chồng chéo của nhiều loại quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Cụ thể, các dự án NFT này thường bao gồm các quyền về nhãn hiệu, bản quyền và các quyền liên quan.

Người nổi tiếng cần lưu ý những gì về quyền SHTT khi thực hiện các dự án NFT?

Sự bùng nổ của NFT đã mở rộng phạm vi cấp phép cho các vận động viên và người nổi tiếng. NFTs là các đơn vị dữ liệu không thể thay thế. Các đơn vị này được lưu trữ trên blockchain và thường có giá trị mua bán hoặc trao đổi. Thông thường, NFT được liên kết với các tệp kỹ thuật số như ảnh, video hay âm thanh.

Một NFT của Cristiano Ronaldo – cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới đã được bán với giá 289.920 USD trên nền tảng NFT Sorare. Con số này đã phá vỡ kỷ lục cho thẻ cầu thủ bóng đá có giá trị cao nhất từng được bán. Mặc dù chủ sở hữu NFT có quyền sử dụng và sở hữu NFT, nhưng quyền sở hữu trí tuệ trong tác phẩm gốc vẫn thuộc về chủ sở hữu quyền tương ứng. NFT có thể bao hàm đồng thời nhiều loại tài sản trí tuệ như bản quyền, nhãn hiệu và quyền liên quan nên trước khi tạo NFT, cần xác định quyền sở hữu của từng loại tài sản SHTT.

Vì lí do kể trên, các công ty đang trong quá trình tìm cách tham gia vào cơn sốt kinh doanh NFT phải đảm bảo rằng các dự án mới của họ tuân thủ các quy định của luật sở hữu trí tuệ. Sau đây là một số vấn đề có thể phát sinh đối với những người đang tìm cách kinh doanh NFT, đặc biệt là những NFT liên quan đến người nổi tiếng.

Những thách thức về việc thực thi quyền SHTT

Vào tháng 1 năm 2022, rapper Lil Yachty đã đệ đơn kiện công ty Opulous và Dito Music với cáo buộc họ đã vi phạm nhãn hiệu vì sử dụng tên, nhãn hiệu và hình ảnh của nam rapper một cách “thiếu thiện chí” để huy động thành công hơn 6,5 triệu đô la vốn đầu tư mạo hiểm. Theo đơn kiện, Opulous đã phát động chiến dịch truyền thông và quảng bá sai sự thật về thỏa thuận giữa Lil Yachty với nền tảng NFT của công ty và thông báo về việc mở bán các tác phẩm có bản quyền của rapper này.

Đơn khiếu nại cáo buộc rằng Opulous đã không xin được giấy phép đối với các quyền về nhãn hiệu, bản quyền và quyền liên quan có trên nền tảng NFT của công ty. Các quảng cáo bao gồm một bức ảnh và tên của rapper này, đồng thời cho biết các sản phẩm âm nhạc của nam rapper sẽ được bán trong đợt phát hành NFT của công ty. Lil Yachty thừa nhận rằng anh đã thảo luận với công ty về tiềm năng hợp tác giữa 2 bên, nhưng sau cùng, họ đã không đạt được thỏa thuận nào điều này khiến việc công ty sử dụng tên và hình ảnh của nam rapper là trái phép.

Mặt khác, một số công ty đã cấp phép thành công các quyền SHTT cho các dự án NFT của người nổi tiếng. Một trường hợp tiêu biểu có thể kể đến là việc Hiệp hội Bóng rổ Hoa Kỳ (NBA) hợp tác với công ty Dapper Labs để tạo ra “TopShot” – một thị trường kỹ thuật số hóa các clip đã được cấp phép của NBA và biến chúng thành các NFT với số lượng giới hạn và được quảng bá là các “khoảnh khắc của cầu thủ”.

Các thỏa thuận cấp phép như trên yêu cầu các công ty như Dapper Labs phải ký thỏa thuận kép với NBA và Hiệp hội Cầu thủ Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBPA). Theo đó, một số cầu thủ nổi tiếng đã nhận ra những lợi ích từ việc này. Chẳng hạn, theo một số báo cáo trên nhiều phương tiện truyền thông, Michael Jordan nằm trong số các cầu thủ đã đặt ra giới hạn với Hiệp hội Cầu thủ bóng rổ đã nghỉ hưu Mỹ (NBRPA) về việc sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ của mình. Nhóm cầu thủ như Michael cũng thường đàm phán để nhận tỷ lệ phần trăm theo doanh số bán hàng lớn hơn với bất kỳ sản phẩm nào sử dụng tài sản SHTT của họ.

Những thách thức về Bản quyền

Công ty sản xuất phim Miramax đã đệ đơn kiện đạo diễn Quentin Tarantino vi phạm bản quyền, dựa trên công bố của vị đạo diễn này về kế hoạch bán đấu giá bảy cảnh độc quyền trong bộ phim kinh điển Pulp Fiction (1994) dưới dạng NFTs. Theo đơn khiếu nại, ông Tarantino đã cấp cho Miramax tất cả các quyền trong hiện tại và tương lai đối với bộ phim đồng thời bảo lưu một số lượng hạn chế quyền cho mình trong Thỏa thuận Bản quyền gốc.

Miramax cho rằng các quyền bảo lưu bị giới hạn của Tarantino không bao gồm khả năng tự sản xuất, tiếp thị và bán các NFT liên quan đến bộ phim Pulp Fiction, vì chúng vi phạm các quyền độc quyền có phạm vi lớn hơn của Miramax đối với bộ phim. Các luật sư của Tarantino đã đáp lại cáo buộc này với lập luận rằng Miramax đã có giả định không chính xác về việc chuyển nhượng bản quyền của một bộ phim điện ảnh và bản quyền kịch bản gốc cho bộ phim đó. Vào ngày 15 tháng 7 năm 2022, kiến nghị của Tarantino về phán quyết vụ kiện đã được tòa án tiến hành xem xét mà không cần tranh luận trước tòa. Những tuyên bố chống lại Tarantino sẽ bị bác bỏ nếu kiến nghị này được thông qua.

Những thách thức về Nhãn hiệu

Giải Bóng bầu dục Mỹ NCAA cho phép các vận động viên đang là sinh viên kiếm lợi nhuận từ các tài sản SHTT của họ thông qua quan hệ đối tác tiếp thị hay việc xuất hiện trên phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, các trường tư nhân thường có những chính sách riêng để cấm nhóm vận động viên này sử dụng nhãn hiệu của trường mà không có sự chấp thuận của trường qua việc cấp phép. Chẳng hạn, trung vệ Blake Corum của đội bóng bầu dục trường đại học Michigan, Mỹ, vào tháng 12 năm 2021, đã phát hành một bộ sưu tập NFT, nhưng trong đó không được cho phép sử dụng bất kỳ nhãn hiệu nào của trường đại học này. Vì Corum không nhận được sự đồng ý của trường học qua việc cấp phép, anh không được mặc đồng phục chính thức của trường đại học Michigan khi xuất hiện trong NFT. Thay vào đó, mũ và áo đấu của anh được thay đổi để không còn những đặc điểm liên quan đến trang phục của trường đại học Michigan.

Lời kết

Sự phổ biến của NFT đã thu hút sự quan tâm của cả những người nổi tiếng cũng như các các doanh nghiệp muốn quảng bá mối liên hệ của họ với các loại tài sản kỹ thuật số tương tự. Nhờ sự đổi mới công nghệ này, những người nổi tiếng cũng như các vận động viên đều có cơ hội mới để tận dụng tên tuổi và hình ảnh của họ cũng như thực thi quyền SHTT của họ một cách tự do thông qua các phương tiện sáng tạo như NFT. Tuy nhiên, kể cả khi lĩnh vực này có những thay đổi thì quy định pháp luật về SHTT vẫn sẽ được giữ nguyên bản chất. Bất kỳ ai tham gia hoạt động kinh doanh NFT đều phải xem xét kỹ lưỡng những quyền sở hữu trí tuệ quan trọng liên quan để có thể thực hiện một dự án NFT tiềm năng.