Trái táo là biểu tượng đặc trưng của Apple. Tuy nhiên, Apple không chỉ muốn sở hữu logo trái táo khuyết hiện hữu trên mọi sản phẩm điện tử của họ mà giờ đây, họ còn đang cố gắng đăng ký bản quyền cho logo trái táo hoàn chỉnh trên toàn cầu, cạnh tranh với các công ty công nghệ khác, thậm chí là doanh nghiệp thực phẩm, ẩm thực không liên quan gì đến gã khổng lồ Apple.

Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới xác nhận rằng Apple đã đệ đơn đăng ký nhãn hiệu cho hình ảnh trái táo hoàn chỉnh (không khuyết) tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Armenia đã chấp thuận các đơn này. Trong đơn đăng ký, Apple đã yêu cầu quyền sở hữu hình ảnh trái táo đối với phần cứng, thiết bị điện tử tiêu dùng, công nghệ số và nhiều loại sản phẩm âm thanh, hình ảnh.

Gần đây nhất, tại Thụy Sĩ, Apple đã tranh chấp quyền nhãn hiệu với công ty Fruit Union Suisse (FUS) – một công ty trái cây có lịch sử lâu đời ở quốc gia này. FUS hiện đang sử dụng logo thương hiệu là một trái táo đỏ kết hợp với lá cờ Thụy Sĩ và nếu Apple có được quyền sở hữu trí tuệ đối với hình ảnh đó, FUS sẽ phải thay đổi logo mới sau 111 năm tồn tại và phát triển.

Việc này là rất bình thường trong nền kinh tế – xã hội toàn cầu hiện hành khi Nguyên tắc đăng ký đầu tiên (First to file) phổ biến và được áp dụng rộng rãi. Cụ thể, tại các quốc gia áp dụng nguyên tắc này, quyền nhãn hiệu sẽ được cấp cho bên đăng ký với Cơ quan SHTT quốc gia đó trước, chứ không phải bên sử dụng trước, dù có thể nhãn hiệu đó đã được sử dụng hàng trăm năm trước.

Về vụ tranh chấp tại Thụy Sĩ, từ năm 2017, Apple đã bắt đầu theo đuổi quyền sở hữu trí tuệ đối với trái táo ở Thụy Sĩ bằng cách đệ đơn tại Viện Sở hữu Trí tuệ Thụy Sĩ (IPI), yêu cầu quyền sở hữu trí tuệ cho hình ảnh trái táo Granny Smith đen trắng. Apple muốn sử dụng hình ảnh này trên các thiết bị điện tử và đã được cấp quyền sử dụng cho một số sản phẩm đã được yêu cầu bảo hộ.

Tuy nhiên, IPI lưu ý rằng các hình ảnh thông thường của trái táo thuộc phạm vi công cộng và theo đó, ủng hộ bên phía doanh nghiệp Thụy Sĩ. Tháng 4 năm 2023, Apple đã kháng cáo quyết định này.

Apple xúc tiến các vụ kiện tranh chấp nhãn hiệu quả táo

Apple không ngẫu nhiên gây ra cuộc chiến pháp lý với Fruit Union Suisse. Mặc dù logo hiện tại của FUS, một trái táo đỏ có chữ thập bên trong, đã trở thành biểu tượng của công ty trong gần 100 năm qua, nhưng vào năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập, FUS đã thay đổi logo để trông giống với hiện tại – một trái táo màu đỏ với chữ thập màu trắng bên trong và cuống hơi nghiêng so với trước đây.

Theo Apple, việc thay đổi, cải thiện hình ảnh so với bản gốc chính là nguyên nhân Apple đệ đơn kiện, vì hình ảnh mới có khả năng khiến người dùng nhầm lẫn về sản phẩm của 2 công ty và xem xét vị thế khổng lồ của Apple – doanh nghiệp lớn nhất thế giới, họ lo ngại rằng FUS có thể lợi dụng hình ảnh của họ để thúc đẩy hình ảnh, vị thế của mình.

Giám đốc Fruit Union Suisse cho biết: “Chúng tôi lo ngại rằng bất kỳ hình ảnh đại diện nào có trái táo đều có thể bị ảnh hưởng. Điều này sẽ gây hạn chế lớn đối với hoạt động kinh doanh chúng tôi. Theo lý thuyết, chúng tôi có thể bị kiện mỗi khi quảng cáo sản phẩm có hình ảnh trái táo (điều mà không hề hợp lý khi FUS là công ty thực phẩm)”.

Ngoài FUS, Apple cũng đã từng kiện nhiều doanh nghiệp sử dụng các hình ảnh tương tự, thậm chí là một trái lê khi nó có khả năng gây ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng. Theo báo cáo của Tech Transparency Project năm 2022, trong giai đoạn từ 2019 đến 2021, Apple đã nộp đơn chống vi phạm nhãn hiệu nhiều hơn các tập đoàn Microsoft, Facebook, Amazon và Google cộng lại, mặc dù các công ty này cũng thuộc loại “táo khuyết” trong ngành công nghệ.