Trong phần thi tài năng của Miss Earth 2020 phát trực tuyến vào tối 14/10, đại diện của Trung Quốc đã diện bộ trang phục giống hệt với Áo dài của Việt Nam. Điều này gây nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Hiện video này trên kênh youtube của Miss Earth đã lên đến 9k lượt “dislike”.

Hình ảnh thí sinh đại diện Trung Quốc trong phần thi tài năng Miss Earth 2020. Ảnh: Miss Earth

Qua hình ảnh trên, có thể thấy trang phục mà Miss Trung Quốc Jie Ding và ekip sử dụng có nhiều nét tương đồng với Áo dài. Từ phần cổ áo đến chi tiết xẻ tà ở eo, 2 tà trước và sau dài che bên ngoài chiếc quần ống rộng đều mang dáng dấp của tà áo dài Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn, Jie Ding chia sẻ Trung Quốc có 5000 năm văn hóa. Điệu nhảy của cô bao hàm sự sâu sắc trong văn hóa và lịch sử Trung Quốc, là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Ngoài ra, cô không hề có chú thích gì về trang phục. Điều này sẽ khiến nhiều người nhầm lẫn áo dài Việt Nam là của Trung Quốc.

Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam

Từ “Áo dài” (ao dai /ˈaʊ ˌdʌɪ/) được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford năm 2004. Trong đó giải thích rõ đây là loại trang phục của truyền thống của phụ nữ Việt. Xuất hiện từ những năm 1700, tiền thân của áo dài là áo ngũ thân lập lĩnh (cổ đứng) được cách tân từ áo giao lĩnh (cổ chéo) dưới triều Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát trong thời kỳ Việt hóa. Điều này bác bỏ quan điểm “áo dài là sườn xám cách tân”.

Mới đây, để hiện thực hóa mục tiêu Huế – Kinh đô Áo dài của Việt Nam, các cán bộ công chức sở Văn hóa và thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ diện trang phục áo dài vào mỗi sáng thứ 2 đầu tiên của tháng. Xưa nay, áo dài là trang phục rất phổ biến với phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện đại ngày nay, việc nhìn thấy một tập thể cả nam lẫn nữ, đặc biệt là nam, mặc trang phục áo dài truyền thống là một hình ảnh vô cùng đẹp và mới mẻ khiến ai nấy đều thích thú và tự hào.

Cán bộ công chức Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Thừa Thiên Huế trong trang phục áo ngũ thân. Ảnh: Sở VHTT TT Huế

Áo dài chưa phải là quốc phục của Việt Nam?

Áo dài là trang phục truyền thống rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam. Thế nhưng, áo dài vẫn chưa chính thức trở thành quốc phục. Một lý do cho điều này có lẽ sẽ khiến chúng ta “sốc tận óc”. Việt Nam chưa đăng ký bản quyền cho áo dài là quốc phục do chúng ta không có cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt. Hiến pháp nước ta chưa có quy định về việc này. Cho nên dù là Thủ tướng hay Quốc hội cũng không được phép ký duyệt. Do vậy, áo dài chưa “giấy trắng mực đen” là quốc phục của Việt Nam.

Cũng vì lẽ đó mà chúng ta càng khó có thể ngăn chặn việc mượn, đạo, nhái… Trung Quốc nhăm nhe áo dài Việt Nam không chỉ 1-2 lần. Trước đó, tờ China Daily đã công bố BST những thiết kế của một thương hiệu bản xứ là Ne-Tiger giống hệt áo dài Việt Nam và gọi đó là Chinese style (phong cách Trung Hoa). Trên trang thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc cũng bày bán tràn lan những bộ trang phục rất giống áo dài Việt Nam với cái tên sườn xám cách tân. Đây là hành vi ăn cắp trắng trợn, là hành vi “chiếm đoạt văn hóa” cần bị lên án!

Người mẫu trình diễn thiết kế của Ne-Tiger trong China Fashion Week S/S 2019 tại Bắc Kinh. Ảnh: china.org.cn

Áo dài – Di sản Văn hóa Việt Nam

Việt Nam đang thu thập thông tin để lập hồ sơ công nhận Áo dài là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Việc hợp pháp hóa hình ảnh áo dài, áo ngũ thân,… là của Việt Nam vô cùng cần thiết. Sở hữu “bản quyền” giúp chúng ta có căn cứ pháp lý để tránh khỏi những tranh chấp không đáng có.

Mong rằng áo dài Việt Nam sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa. Qua đó, khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống của trang phục dân tộc Việt Nam, và giúp cho áo dài được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới.

– Rùa –






    Nguồn:

    1. Từ điển bách khoa phụ nữ Việt Nam (tác giả Huỳnh Thị Dung, Nguyễn Thu Hà, Nhà xuất bản Phụ nữ, H. 2002) tại trang 21 ghi “áo dài là loại áo rất độc đáo của phụ nữ Việt Nam. Che từ cổ xuống đến đầu gối (hoặc quá đầu gối). Mặc cùng với quần trắng hay màu cùng màu”

    2. Ngàn năm áo mũ – tác giả Trần Quang Đức (tr 258-262)