Liên tục đưa ra các khuyến mãi “giảm giá 50%”, “freeship”…; các ứng dụng giao đồ ăn đang tìm đủ mọi cách để có thể chiếm được thị phần trong “miếng bánh” giao đồ ăn khi cuộc đua ngày càng khốc liệt.

GrabFood và Now hiện đang dẫn đầu cuộc đua giao đồ ăn

Bùng nổ ứng dụng

Tiên phong và bắt đầu thử nghiệm mô hình giao đồ ăn từ năm 2014; Now có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và có được sự thành công cũng như tăng trưởng nhanh nhờ dịch vụ giao hàng mới mẻ và độc quyền. CEO của Now đã từng chia sẻ, năm 2017 ứng dụng nhận được khoảng 10.000 đơn hàng mỗi ngày. Trên khắp các con phố thời đó là sự thống trị của những chiếc áo màu đỏ.

Đến tháng 8/2018, Grab chính thức triển khai GrabFood. Điều này đã phá vỡ sự độc quyền của Now trong thị trường giao đồ ăn. Theo đó cũng là sự bùng nổ của cuộc chiến giao đồ ăn. Có được ưu thế từ nền tảng GrabBike và GrabCar; tốc độ phát triển của tân binh này được xem là nhanh nhất. Chỉ chưa đầy 7 tháng kể từ khi ra mắt, Grab đã liên tiếp triển khai dịch vụ giao nhận đồ ăn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và 15 tỉnh thành khác trên khắp cả nước.

Các ứng dụng mới

Cũng không thua kém trong cuộc đua giành thị phần này, GoViet đã ra mắt GoFood ngay sau khi triển khai dịch vụ gọi xe. GoFood cũng nhanh chóng tiến công dồn dập với hàng loạt chiến dịch quảng bá ưu đãi để thu hút khách hàng. Đặc biệt là sự kết hợp với ca sĩ Sơn Tùng MTP với danh nghĩa là đại sứ thương hiệu.

Cuộc chiến càng sôi động với sự tham gia của Loship. Tiếp đó Baemin sau khi mở rộng hoạt động kinh doanh ra Hà Nội. Chưa dừng lại ở đó, khi công ty chuyên về thương mại điện tử Shopee bắt tay với Now thì cuộc đua mới thực sự đi đến đỉnh điểm với đến màn đối đầu trực tiếp của Now và Grab.

Cố gắng lấy lòng khách hàng

Khi có quá nhiều đối thủ thì ứng dụng nào giao hàng nhanh nhất, nhiều khuyến mại nhất và giá cả hợp lý nhất chắc chắn sẽ giành phần thắng trong cuộc đua giành thị phần này.

Now tân dụng tài nguyên từ nền tảng Foody để tạo nên sự hấp dẫn. GrabFood cũng không kém cạnh khi kết hợp với các cửa hàng, quán ăn để triển khai các chương trình độc nhất mà chỉ có trên nền tảng này. GoViet thường xuyên có những ưu đãi giảm giá. Ví dụ như miễn phí giao hàng, ưu đãi 50%, giảm giá 50k cho đơn đầu tiên. Vì vậy GoViet cũng đã có được thị phần nhất định cho mình.

Tân binh như Baemin hay Loship thì lại mạnh tay. Chẳng hạn như giảm giá đến 70% hoặc ưu đãi khách hàng mã giảm 50.000 đồng cho khách hàng mới. Riêng Loship, ứng dụng này cho phép khách hàng vừa được sử dụng mã giảm giá, vừa được hưởng ưu đãi freeship.

Cuộc chiến chỉ dành cho những kẻ mạnh

Không chỉ là một cuộc đua, cuộc chiến giảm giá còn là một thách thức không hề nhỏ. Đối với một ứng dụng giao đồ ăn, đây thực sự là một cuộc đua đốt tiền. Trong cuộc chiến này, nhiều hãng không thể tiếp tục cuộc chơi do không đủ tiềm lực về kinh tế.

Be chính thức tạm dừng dịch vụ BeFood. Lala cũng đã đóng cửa vào năm 2019 sau 1 năm thử nghiệm. Ứng dụng Loship cũng chỉ được khách hàng sử dụng một lần để dùng ưu đãi cho khách hàng mới. Khi hết ưu đãi này, Loship có lẽ cũng bị bỏ đi nếu như khách hàng không còn nhận được thêm khuyến mại nào nữa.

Bên cạnh đó, thói quen dùng tiền mặt của khách hàng Việt cũng là một rào cản lớn. Rất nhiều trường hợp “bom hàng” gây thiệt hại cho cả hãng và người giao hàng.

Đến thời điểm hiện tại, bên cạnh một số tân binh vẫn đang cố bám trụ thì hai ông lớn là GrabFood và Now vẫn đang dẫn đầu. Để có thể biết được kết quả, chúng ta cần tiếp tục chờ xem bên nào sẽ có được chiến lược cạnh tranh thu hút khách hàng mới, cũng như giữ chân khách hàng cũ hiệu quả hơn.

-Namneyu-