Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã ít nhiều từng nhìn thấy mã vạch trong đời sống hàng ngày. Bất kể là các mã giảm giá trong siêu thị tạp hóa, hay mã vạch 47 đặc trưng của điệp viên siêu hạng 47 trong bộ phim và trò chơi ‘Hitman’ nổi tiếng. Tuy nhiên, liệu bạn đã bao giờ nghĩ đến khả năng đăng ký nhãn hiệu cho mã vạch?

Vụ kiện mã vạch ở Ấn Độ

Vào ngày 12 tháng 1 năm 2021, Tòa án Tối cao Delhi đã ban hành lệnh cấm vĩnh viễn đối với Global Barcodes SL trong vụ kiện pháp lý giữa GS1 INDIA với GLOBAL BARCODES SL & ORS.

Được biết, GS1 India là tổ chức tiêu chuẩn quốc tế cho dịch vụ cung cấp mã số mã vạch chứa mã ‘890’ cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp ở Ấn Độ nhằm quản lý tiêu chuẩn hàng hóa của chuỗi cung ứng toàn cầu. Mã vạch của GS1 còn bao gồm mười chữ số khác đi kèm với mã ‘890’, tổng hợp lại tạo thành mã vạch 13 chữ số nhằm mục đích kiểm duyệt và xác nhận chất lượng, số lượng sản phẩm, cũng như xác định xuất xứ sản phẩm và cung cấp các thông tin liên quan khác.

Mã vạch 890 đặc trưng của GS1 India. Ảnh: gs1india

Trong khi vận hành, GS1 đã phát hiện công ty Global Barcodes có trụ sở bên ngoài Ấn Độ đang phát hành trái phép mã vạch ‘890’. GS1 India là cơ quan được ủy quyền duy nhất tại Ấn Độ của GS1 – một tổ chức quốc tế với các tiêu chuẩn toàn cầu được thiết lập cho các sản phẩm trên toàn thế giới. Do đó, GS1 India đã đệ đơn kiện Global Barcodes SL – nhà điều hành của các trang web www.indiabarcodesship.com và https://india-barcodesstore.com/ vì hành vi phát hành trái phép mã vạch ‘890’ – thương hiệu đặc trưng của GS1 India.

Cơ sở pháp lý của vụ kiện

Từ khi phát hiện việc phát hành trái phép mã vạch của Global Barcodes SL, nguyên đơn (GS1 India) đã tìm cách ngăn cản Global Barcodes tiếp tục thực hiện hành vi cấp mã số mã vạch trái phép. Theo nguyên đơn, hành vi của Global Barcodes SL nhằm lừa dối người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm họ mua đạt tiểu chuẩn của GS1. Ngoài ra, hành vi này cũng tương đương với hành vi vi phạm nhãn hiệu đã đăng ký của GS1 India.

Sonal Madan – một đối tác của Chadha & Chadha ở New Delhi cho biết: “Trong thời gian gần đây, hành vi vi phạm nhãn hiệu mã vạch đã nổi lên đặc biệt nhiều. Hơn nữa, vấn đề hàng giả hàng nhái cũng trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là trong thị trường hàng hóa thiết yếu với bối cảnh đại dịch hiện nay.”

Vào tháng 5 năm 2020, Tòa án đã thông qua lệnh tạm thời và Nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đã chặn các trang web của Global Barcodes SL. Các trang web bị chặn bao gồm cả các trang web phụ, thay thế của công ty này.

Vào ngày 12 tháng 1 năm 2021, Global Barcodes không xuất hiện tại Tòa án để giải trình. Sau đó, Tòa án đã ban hành lệnh cấm Global Barcodes. Ngoài ra, một sắc lệnh bồi thường thiệt hại yêu cầu Global Barcodes phải trả cho GS1 Ấn Độ với tổng số tiền phạt là 20 vạn Rs. (Rupee Ấn Độ) và lệnh cho các ISP chặn hoặc gỡ bỏ các tên miền bị lỗi và các trang web thay thế của Global Barcodes cũng được ban ra. Một sắc lệnh khác cũng được ban hành để hạn chế việc cung cấp dịch vụ cho Global Barcodes của các bị đơn khác.

Vai trò của mã vạch trong nhãn hiệu và cuộc chiến chống hàng giả

Theo ý kiến của bà Madan: “Mã vạch đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc chiến chống hàng giả trên toàn cầu. Vụ việc liên quan đến việc thực thi mã vạch với tư cách là nhãn hiệu chứng nhận. Các tiền lệ có tính chất tương tự với vụ kiện này đều nhằm mục đích cung cấp sự bảo vệ hiệu quả cho người tiêu dùng, nhà bán lẻ, chủ sở hữu thương hiệu và các bên liên quan khác trong chuỗi cung ứng.”

Bà cũng nói thêm: “Do đó, quyết định của Tòa án Tối cao trong việc công nhận các quyền sở hữu trí tuệ cơ bản đối với nhãn hiệu chứng nhận ‘890’ sẽ tạo ra sự răn đe cần thiết đối với những người vi phạm các mã vạch có thể đọc được bằng máy này.”

-Huntress-