Mỹ từ lâu đã được biết đến như một cường quốc trên thế giới. Nhiếu người cho rằng lí do Mỹ hùng mạnh như vậy chính là vì họ sở hữu một lực lượng quân sự mạnh mẽ, bá đạo, trải dài khắp 5 châu 4 biển. Tuy nhiên, thứ thực sự khiến Mỹ có tiếng nói lớn như vậy trên khán đài quốc tế chính là vì nền kinh tế vững mạnh của họ chứ không phải sức mạnh quân sự, hay như người ta hay nói: “Cây bút hơn cây kiếm”. Tuy nhiên, tại sao nền kinh tế của Mỹ lại mạnh như vậy? Liệu có phải là do cách quốc gia này thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước khác? Hay liệu có phải do bên trên bề mặt và dưới lòng đất của quốc gia này tràn ngập tài nguyên khoáng sản phong phú và họ biết cách vận dụng nó? Tất cả điều trên đều đúng! Tuy nhiên, một trong những lí do lớn nhất khiến cho quốc gia này hùng mạnh như vậy chính là vì họ biết trân trọng người tài, biết bảo vệ quyền lợi của nhân tài đã phục vụ cho tổ quốc và qua đó, bảo vệ sự toàn vẹn của các tác phẩm của họ thông qua những bộ luật sở hữu trí tuệ, đặc biệt là luật bản quyền.

Dẫu rằng được ‘khai quốc’ từ năm 1776, Lịch sử Luật Bản Quyền của Mỹ phải xuôi dòng lịch sử hơn 1 thế kỉ trước.

Bắt đầu từ cuối thế kỉ 15 ở Vương Quốc Anh, việc in ấn, xuất bản các sách báo tràn lan đã trở thành một hiện tượng phổ biến tại quốc gia này do không hề có hạn chế nào và từ đó, tạo nên việc các ấn bản gốc trở nên mất giá trị. Qua đó, các nhà chức trách ở Vương Quốc Anh đã tìm cách kiểm soát việc xuất bản sách báo bằng cách cấp cho một số nhà in quyền ‘gần như độc quyền’ xuất bản ở Anh.

Đến năm 1662, Đạo luật Licensing Act đã xác nhận sự độc quyền đó và thành lập cơ quan đăng ký sách được cấp phép do Công ty Stationers quản lý. Công ty này hoạt động dựa trên sự hợp tác của một nhóm các nhà in có quyền kiểm duyệt các ấn phẩm.

Tuy nhiên, Đạo luật 1662 chỉ tồn tại được hơn 3 thế kỉ và mất hiệu lực vào năm 1695 dẫn đến sự kiểm duyệt của chính phủ bị nới lỏng và không còn chặt chẽ như trước. Đến năm 1710, Quốc hội Anh đã ban hành Đạo luật Statue of Anne để giải quyết mối quan ngại của những người bán sách và in ở Anh.

Qua đó, Đạo luật năm 1710 thiết lập các nguyên tắc về quyền sở hữu bản quyền của tác giả và thời hạn bảo hộ cố định đối với tác phẩm có bản quyền là 14 năm và có thể gia hạn thêm 14 năm nếu tác giả còn sống khi thời hạn bảo hộ hết hạn. Đạo luật này đã ngăn chặn một phần sự độc quyền đối với những người bán sách và tạo ra “phạm vi công cộng” cho nền văn học bằng cách thiết lập nhiều hạn chế đối với chủ sở hữu bản quyền.

Cụ thể, Statue of Anne thiết lập quy định rằng một khi tác phẩm đã được mua thì chủ sở hữu bản quyền không còn quyền kiểm soát việc sử dụng tác phẩm đó nữa. Dẫu rằng đạo luật này vẫn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập, đặc biệt là vì thời đó dù có đạo luật này, quyền lợi của tác giả vẫn còn rất hạn chế bởi họ phải chuyển nhượng tác phẩm đó cho người bán sách hoặc nhà xuất bản thì mới có thể kiếm được thu nhập, tuy nhiên, Statue of Anne xứng đáng là một trong những dấu mốc lớn đầu tiên trong luật bản quyền trên toàn thế giới, đánh dấu nên một kỉ nguyên phát triển rực rỡ của nền văn học trên toàn cầu trong suốt 300 năm sau đó.

1787: Hiến pháp Hoa Kỳ

Dẫu rằng chính thức thành lập từ năm 1776, mãi đến năm 1787 thì bộ máy chính quyền của Mỹ mới ổn định và đi vào hoạt động, kỷ niệm bằng việc xây dựng nên Hiến Pháp Hoa Kỳ vào Ngày 17 tháng 9 năm 1787 và chính thức có hiệu lực từ Ngày 4 tháng 3 năm 1789.

Ngay từ ban đầu, hiến pháp Hoa Kỳ đã bao gồm nhiều điều khoản toàn diện nhằm phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Dẫu rằng không hoàn toàn là một bộ luật sở hữu trí tuệ toàn diện, nhưng Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 cũng đã đề cập và thiết lập quy định đến một khía cạnh về bản quyền.

Qua đó, theo Khoản 8, Mục 8, Điều 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ, Nghị viện sẽ có quyền “Thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và các nghệ thuật hữu ích bằng cách đảm bảo quyền sở hữu của các tác giả và nhà phát minh đối với các tác phẩm và phát minh trong thời gian hạn định.” (Bản dịch Tiếng Việt do Trần Thị Thái Hà, trích từ thư viện quốc hội)

1790: Luật bản quyền năm 1790

Quốc hội lần thứ nhất của Mỹ đã mở rộng, củng cố các quy định về bản quyền của Hiến pháp Hoa Kỳ thông qua luật bản quyền năm 1790. Qua đó, luật khuyến khích học tập bằng cách bảo mật các bản sao của Bản đồ, Biểu đồ và Sách của các tác giả và chủ sở hữu của các bản sao. Được biết, luật này có phần lớn nội dung được dựa trên đạo luật Statute of Anne (1710) của Vương Quốc Anh – tiền thân của Mỹ.

Luật bản quyền này cấp cho các tác giả Mỹ quyền in, in lại hoặc xuất bản tác phẩm của họ trong thời hạn 14 năm và gia hạn thêm mười bốn năm nữa. Luật này nhằm tạo động lực cho các tác giả, nghệ sĩ và nhà khoa học tạo ra các tác phẩm gốc bằng cách cung cấp cho người sáng tạo quyền độc quyền.

Tuy nhiên đồng thời, quyền độc quyền cũng bị hạn chế nhằm kích thích sự sáng tạo và sự tiến bộ của “khoa học và các nghệ thuật hữu ích” thông qua việc cho công chúng sự tiếp cận rộng rãi tới các tác phẩm trong “phạm vi công cộng”. Các sửa đổi lớn đối với đạo luật đã được thực hiện vào các năm 1831, 1870, 1909 và 1976.

1831: Sửa đổi luật Bản quyền lần thứ 1

Năm 1831, Luật Bản quyền nhận được sự sửa đổi lớn lần đầu tiên.

Theo đó, thời hạn bảo hộ các tác phẩm có bản quyền đã được kéo dài lên 28 năm với khả năng gia hạn thêm 14 năm. Quốc hội Mỹ tuyên bố rằng sự kéo dài về thời hạn bảo hộ này nhằm cung cấp cho các tác giả Mỹ quyền được bảo vệ giống như các tác giả ở châu Âu.

Phần mở rộng áp dụng cho cả các tác phẩm trong tương lai tính tại thời điểm năm 1831 và các tác phẩm hiện vẫn chưa hết thời hạn bảo hộ.

1870: Sửa đổi luật Bản quyền lần thứ 2

Thay đổi lớn nhất của bản sửa đổi lần thứ 2 này chính là về việc quản lý đăng ký bản quyền được chuyển từ các tòa án quận riêng lẻ sang Văn phòng Bản quyền của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

Đáng lưu ý là thời hạn bảo hộ không được mở rộng trong bản sửa đổi này.

1886: Công ước Berne

Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, còn được gọi ngắn gọn là Công ước Berne (phát âm tiếng Việt: Công ước Bơn hay Công ước Béc-nơ), được ký tại Bern (Thụy Sĩ) năm 1886, lần đầu tiên thiết lập và bảo vệ quyền tác giả giữa các quốc gia có chủ quyền, được hình thành sau các nỗ lực vận động của Victor Hugo, một nhà văn, nhà thơ, nhà viết thuộc chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng của Pháp.

US Copyright Office در توییتر "The Berne Convention for the Protection of  Literary and Artistic Works, the first multilateral international copyright  treaty, was signed in Berne, Switzerland, on September 9, 1886. The
Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Nguồn: US Copyright Office

Trước khi có công ước Berne, các quốc gia thường từ chối quyền tác giả của các tác phẩm ngoại quốc. Qua đó, một tác phẩm xuất bản ở một quốc gia được bảo vệ quyền tác giả tại quốc gia đó nhưng tính đến trước năm 1886, các tác phẩm đó lại có thể bị sao chép và xuất bản tự do không cần xin phép tại các quốc gia khác.

Theo đó, không thể nói rằng quyền của tác giả đã được bảo hộ nếu như ở trong lãnh thổ Mỹ, tất cả hành vi sao chép, in ấn, xuất bản trái phép đều bị cấm nhưng chỉ ở vài trăm mét từ lãnh thổ Mỹ đến lãnh thổ Mexico, qua đường biên giới, một bên khác lại thản nhiên in ấn, sao chép và bán các tác phẩm của họ một cách tùy ý mà không có hạn chế nào. Điều đó là không hợp lí!

Chính vì vậy mới có sự ra đời của công ước Berne!

Theo đó, các quốc gia tuân thủ công ước Berne sẽ công nhận quyền tác giả của các tác phẩm xuất bản tại các quốc gia khác cùng tuân thủ công ước này. Dẫu rằng sự bảo hộ của Công ước Berne chưa phải phạm vi bảo hộ trên toàn thế giới, thậm chí không phải mọi quốc gia mà mới chỉ là những quốc gia ‘có chủ quyền’ và còn nhiều vấn đề khác nhưng đây cũng đã được coi là một bước tiến lớn, đánh dấu một cột mốc lớn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới.

Lưu ý: Những quốc gia ‘chưa có chủ quyền’ hay còn được biết đến như quốc gia được công nhận hạn chế, thậm chí dù họ muốn gia nhập các thỏa ước, hiệp định quốc tế như Công ước Berne cũng sẽ không được tính vào phạm vi của công ước Berne. Tuy nhiên, vấn đề trên là một vấn đề quan hệ quốc tế phức tạp và do đó ta chỉ nên tập trung vào bản thân nội dung của Công ước Berne.

Theo công ước Berne, quyền tác giả là tự động. Tác giả không cần phải đăng ký tác quyền, không cần phải viết thông báo tác quyền để thiết lập quyền sở hữu đối với tác phẩm đó. Ngoài ra, một điểm cải thiện cực lớn trong công ước này đối với lợi ích của các tác giả là những quốc gia ký công ước Berne sẽ không được đặt ra các thủ tục hành chính sách nhiễu các tác giả trong việc thụ hưởng tác quyền. Tuy nhiên, các nhà chức trách ở các quốc gia thành viên của công ước Bern vẫn có quyền áp đặt các luật lệ riêng cho các tác giả trong nước họ hoặc từ những nước không ký công ước này.

Công ước Berne tính đến thời điểm hiện tại đã được sửa đổi 5 lần kể từ năm 1886 với các bản sửa đổi năm 1908 và 1928 là quan trọng nhất. Năm 1908, Đạo luật Berlin (Berlin Act) quy định thời hạn bản quyền suốt đời của tác giả cộng thêm 50 năm. Năm 1928, Đạo luật Rome (Rome Act) lần đầu tiên công nhận quyền nhân thân của tác giả và nghệ sĩ. Theo đó, bản sửa đổi lần này cho họ quyền phản đối việc sửa đổi hoặc phá hủy tác phẩm theo cách có thể gây phương hại hoặc làm giảm danh tiếng của tác giả.

Dẫu rằng có mặt vào thời điểm diễn ra hội nghị thành lập Công ước Berne năm 1886 nhưng Mỹ đã không gia nhập Công ước vào thời điểm đó.

Mỹ chính thức ký kết và gia nhập công ước Berne vào ngày 16 tháng 11 năm 1988.