Lewis Hamilton, một trong những tay đua Công thức 1 thành công nhất trong lịch sử, gần đây đã phải đối mặt với thất bại khi đăng ký tên mình làm nhãn hiệu tại Châu Âu. Ban Phúc thẩm của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) xác nhận rằng đơn đăng ký nhãn hiệu ‘LEWIS HAMILTON’ mâu thuẫn với nhãn hiệu ‘Hamilton’ thuộc sở hữu của nhà sản xuất đồng hồ nổi tiếng Thụy Sĩ Hamilton International AG.
Vào ngày 14 tháng 7 năm 2015, 44IP Limited, công ty quản lý quyền sở hữu trí tuệ của Sir Lewis Carl Davidson Hamilton MBE, đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại EU để đăng ký nhãn hiệu ‘LEWIS HAMILTON’ cho nhiều hàng hóa và dịch vụ khác nhau, chủ yếu thuộc Nhóm 14 và 35. Các nhóm này bao gồm kim loại quý, đồ trang sức, đồng hồ, đồng hồ đeo tay, dụng cụ đếm thời gian và các dịch vụ bán lẻ liên quan.
Công ty Hamilton International AG sau đó đã phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu này, với nhãn hiệu đã được đăng ký trước của họ – ‘HAMILTON’. Nhãn hiệu này đã được đăng ký vào ngày 5 tháng 5 năm 2015 cho các hàng hóa tương tự. Công ty sản xuất đồng hồ lập luận rằng nhãn hiệu của họ có những điểm đặc biệt và đã có tiếng ở Châu Âu về hoạt động sản xuất đồng hồ.
Phía 44IP Limited đã kháng cáo, và cho rằng không có khả năng xảy ra nhầm lẫn giữa 2 nhãn hiệu do Lewis Hamilton đã rất nổi tiếng với tư cách là tay đua Công thức 1 thành công.
Quyết định của Hội đồng phúc thẩm
Hội đồng phúc thẩm (BoA) sau đó đã bác bỏ đơn kháng cáo, cho rằng danh tiếng của Lewis Hamilton là không đủ để làm mất đi khả năng gây ra nhầm lẫn của các nhãn hiệu.
BoA thừa nhận rằng nhiều người nổi tiếng có thể nhận được sự bảo vệ đặc biệt khi đăng ký nhãn hiệu, miễn là danh tiếng của họ được công nhận vào ngày nộp đơn đăng ký. Mặc dù Lewis Hamilton chắc chắn là một nhân vật nổi bật trong lĩnh vực thể thao, nhưng BoA lại tập trung vào ảnh hưởng của tay đua này tới công chúng nói chung.
44IP Limited cũng đã cung cấp nhiều bằng chứng thể hiện sự nổi tiếng của Hamilton, nhưng BoA vẫn tập trung vào các quốc gia châu Âu ít quan tâm đến giải đua xe Công thức 1 hơn, chẳng hạn như Bulgaria, Croatia và các quốc gia vùng Baltic. Bằng chứng, bao gồm các lượt truy cập trang web hay số người theo dõi trên mạng xã hội của giải đấu, được coi là không đủ để tạo nên danh tiếng của Hamilton trên toàn Châu Âu.
Khả năng nhầm lẫn
BoA đánh giá khả năng gây nhầm lẫn dựa trên sự chú ý của công chúng đối với các nhãn hiệu, sự giống nhau giữa các nhóm hàng hóa và dịch vụ cũng như sự giống nhau của các nhãn hiệu. BoA phát hiện ra rằng cả hai nhãn hiệu đều có cái tên ‘Hamilton’, tạo ra sự tương đồng về hình ảnh và ngữ âm. Họ kết luận rằng công chúng có thể tin rằng hàng hóa và dịch vụ mang nhãn hiệu ‘LEWIS HAMILTON’ có mối liên hệ với nhãn hiệu ‘HAMILTON’.
Quyết định này nhấn mạnh rằng những người nổi tiếng chưa chắc đã có quyền sử dụng tên của họ làm nhãn hiệu. Theo các quy định về nhãn hiệu của EU, việc sử dụng tên của một người trong hoạt động thương mại không được có dụng ý xấu. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho các thủ tục phản đối và việc sử dụng rộng rãi tên gọi như thương hiệu.