Netflix đến hiện tại vẫn được công nhận là ông vua streaming, cung cấp đủ mọi thể loại phim cho người dùng trên thế giới. Dẫu trong thời gian gần đây, Netflix đã hơi đi xuống trong giới phim ảnh nhưng nói chung, nền tảng này tính đến thời điểm tháng 10 năm 2022 vẫn giữ vững cương vị số 1 của mình, vượt trên Disney, Warner Media, NBC Universal,… Vậy, làm thế nào mà Netflix đã trở thành ông vua điện ảnh thế giới với sự kết nối đến hơn 221 triệu người đăng ký tại hơn 190 quốc gia, nắm giữ 10% lượng truy cập Internet toàn cầu?

Kỉ nguyên cho thuê băng đĩa

Năm 1997, Netflix được thành lập, có trụ sở tại Los Gatos, California. Trong 1 thập kỉ đầu từ khi thành lập, mô hình hoạt động của Netflix khá đơn giản. Về cơ bản, Netflix là một công ty khởi nghiệp về việc cho thuê đĩa DVD và đĩa Blu-ray (phiên bản được xem là bản cải tiện, xịn hơn so với DVD).

Người dùng sẽ gửi yêu cầu của mình đến các trang dịch vụ của Netflix về bộ phim họ muốn xem. Sau đó, Netflix sẽ chuyển đĩa phim đó cho người dùng qua hòm thư (hòm thư cũ đặt trước cổng mỗi căn nhà tại Hoa Kỳ). Người dùng nhận, xem và sau đó trả lại cái đĩa đó cho Netflix qua hòm thư, đóng gói cẩn thận. Nhân viên chuyển phát sẽ đi thu về những cái đĩa đó, kiểm tra tình trạng đĩa xem có hư hỏng gì trong quá trình sử dụng không.

Netflix và Blockbuster là 2 công ty cho thuê băng đĩa đối thủ nổi bật nhất lúc bấy giờ, có thể ví như kì phùng địch thủ. Tuy nhiên, đến hiện tại, không ai còn nghe về công ty Blockbuster nữa. Công ty này đã phai tàn theo dòng chảy thời gian, giải thể vào năm 2010 và cửa hàng cuối cùng đóng cửa vào năm 2014.

Netflix cũng bán đĩa DVD nhưng chủ yếu, hoạt động cho thuê DVD là điểm nhấn chính của Netflix thời điểm bấy giờ. Cũng dễ hiểu như trong hiện tại, ít có gia đình Việt Nam nào mua hẳn 1 bộ váy cưới lung linh cho ngày cưới. Họ chỉ thuê 1 chiếc váy từ 500 nghìn đến vài triệu bởi họ chỉ cưới 1 lần trong đời. Phim ảnh cũng hoạt động tương tự như vậy, 1 người chỉ muốn xem 1 bộ phim 1 lần hoặc vài lần chứ ít khi có dự định mua hẳn bộ phim về để xem.

Nhận ra tâm lí này và việc bán đĩa sẽ không thu lại lợi nhuận, đến một thời điểm, Netflix đã quyết định dừng hẳn dịch vụ bán băng đĩa mà chỉ tập trung vào việc cho thuê băng đĩa. Việc thuê băng đĩa cũng có nhiều cải tiến qua thời gian, đỉnh điểm nhất là dịch vụ cho phép khách hàng giữ băng đĩa vĩnh cửu. Khi họ muốn xem 1 bộ phim khác, họ chỉ cần đổi bộ phim họ đang sở hữu với bộ phim mới.

Kỉ nguyên phát sóng, truyền hình streaming

Năm 1999, 2 năm sau khi công ty được thành lập, CEO của công ty thời bấy giờ đã nhận ra rằng băng đĩa vật lí DVD và blu-ray sẽ không phải là tương lai của phim ảnh và dù rằng trong gần 1 thập kỉ sau đó, Netflix cho phát triển dịch vụ thuê băng đĩa mạnh mẽ nhưng trong thâm tâm, Netflix không bao giờ đặt quá nhiều niềm tin và định hướng vào hình thức này.

Đến năm 2007, Netflix đã cho ra mắt hình thức streaming phát sóng trực tuyến qua mạng Internet. Hình thức streaming chính là hình thức được phổ biến cho đến hiện tại, tức 15 năm sau khi nó được ra đời.

Người dùng chỉ cần ngồi vào máy tính của mình, mở trang web của Netflix, trả phí để trở thành người dùng hàng tháng, hàng năm và xem mọi bộ phim trên Netflix chứ không cần các thủ tục lằng nhằng như yêu cầu, nhận DVD và bật chiếu nó trên các đầu đĩa lỗi thời.

Theo tờ Reuters, có đến 40 triệu USD đã được Netflix đầu tư vào các cơ sở dữ liệu trong thời điểm đó để xây dựng một kho lưu trữ thông tin khổng lồ.  

Mua lại bản quyền phát sóng, chiếu phim từ mọi nhà sản xuất lớn

Vì là nền tảng chiếu phim trực tuyến lớn đầu tiên trên thế giới, Netflix đã nhanh chóng lợi dụng sự sơ hở của thị trường lúc bấy giờ, tức việc đánh giá sai giá trị của bộ phim của mình và số lợi nhuận nó có thể thu về được của các nhà sản xuất phim thời bấy giờ.

Về cơ bản, Netflix liên hệ đến mọi công ty sản xuất phim họ tìm được và đề nghị rằng họ sẽ mua quyền phát sóng bộ phim trên Netflix từ các nhà sản xuất đó, trả cho họ hàng triệu USD tùy vào thỏa thuận.

Đến hiện tại, chắc chắn rằng các nhà sản xuất này sẽ hối hận 1 phần vì đã quá dễ dàng đồng ý bán quyền phát sóng bộ phim với giá ‘rẻ’.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận dưới góc độ công bằng thì không ai, kể cả Netflix, sẽ nghĩ rằng hình thức này 100% chắc chắn thành công. Đó là 1 canh bạc của Netflix và tại thời điểm đó là một món hời lớn cho các nhà sản xuất. Bởi lẽ lúc đó họ vẫn chỉ kiếm lợi nhuận qua hình thức bán hoặc cho thuê DVD – hình thức vốn đang dần lỗi thời, thu nhập kém.

Qua đó, hiện tại họ có thể phàn nàn nhưng nếu không có sự cách mạng ngành phim ảnh của Netflix, ai dám chắc rằng họ có thể đã thu được vài triệu USD đó khi không có sự trợ giúp của Netflix?

Đỉnh điểm, vào tháng 8 năm 2010, Netflix đã đạt được hợp đồng 5 năm trị giá gần 1 tỷ USD để phát trực tuyến các bộ phim của Paramount, Lionsgate và Metro-Goldwyn-Mayer. Thỏa thuận làm tăng phí chi tiêu hàng năm của Netflix thêm khoảng 200 triệu USD mỗi năm.

Năm 2010, Netflix đã mua lại bản quyền của Breaking Bad, do Sony Pictures Television sản xuất. Bộ phim này là một trong những bộ phim ăn khách, thành công nhất của Netflix. Đây cũng chính là bộ phim khiến cho khái niệm ‘binge watching’ được biết đến rộng rãi trên thế giới.

Theo đó, ‘binge watching’ hay tại Việt Nam có thể hiểu là ‘xem một loạt’ một bộ phim từ đầu cho đến khi hết mùa, thậm chí hết sạch mọi mùa bộ phim đó. Bởi lẽ Netflix hiểu tâm lý háo hức của khán giá, không muốn họ chờ 1 tập 1 tuần như các nhà đài khác nên mọi series phim bộ của Netflix đều được trình chiếu ngay 1 lúc.

Ví dụ như mùa đầu tiên của bộ phim Witcher đình đám của Netflix đã được trình chiếu vào ngày 20 tháng 12 năm 2019 có tổng cộng 8 tập. Người dùng hoàn toàn có thể xem hết 1 lượt 8 tập đó trong một buổi đêm, đến sáng ngày 21 đã hoàn thành thay vì phải chờ thêm 8 tuần, tức 2 tháng nữa như các bộ phim của các nhà đài khác, ví như House of the Dragons trên HBO.

Netflix tiếp tục mở rộng đế chế phim ảnh của mình bằng cách kí hợp đồng, thỏa thuận phát sóng với các nhà sản xuất phim ảnh lớn thời bấy giờ, đạt được ước mơ trở thành nền tảng phim với ‘thư viện’ phim đồ sộ đầu tiên trên thế giới.

Vào tháng 9 năm 2012, Epix đã ký hợp đồng phát trực tuyến 5 năm với Netflix. Trong hai năm đầu của thỏa thuận này, nội dung danh mục đầu tiên và danh mục ngược từ Epix thuộc độc quyền của Netflix. Phim Epix sẽ được phép xuất hiện trên Netflix 90 ngày sau khi công chiếu trên Epix. Thỏa thuận này bao gồm các bộ phim của Paramount, Metro-Goldwyn-Mayer và Lionsgate.

Góc nhìn    

Kể từ năm 2012, Netflix đã lại có bước đột phá mới trong mô hình kinh doanh của mình với “Netflix Originals” – phim bộ hoặc phim lẻ độc quyền của Netflix. Các bộ phim này sẽ có chữ “N” đỏ thẫm cạnh poster của nó. Lilyhammer là bộ phim độc quyền đầu tiên của Netflix, chính thức biến nền tảng này từ một kênh chiếu phim thành một nhà sản xuất phim – như các nhà sản xuất lớn mà Netflix đã mua phim lại trong những năm trước.

Netflix Originals đã để lại nhiều dấu ấn đáng tượng trong nền phim ảnh như các bộ House of Cards (2013) – bộ phim độc quyền thành công đầu tiên của Netflix, The Witcher (2019), Bridgeton (2020), The Crown (2016), Squid Game (2021), Arcane (2021),…

Không lâu kể từ khi bộ phim độc quyền đầu tiên được trình chiếu, ông lớn Netflix đã đăt mục tiêu cân bằng tỉ lệ 50-50 giữa phim độc quyền và phim cấp phép mua lại bản quyền.

Mục tiêu này đến năm 2022 đã đạt được nhưng có 1 sự thật không thể bàn cãi là hiện nay Netflix đang dần xuống dốc, với việc mất đi 200 nghìn người đăng kí trong quý 1 2022 và 970 người đăng ký trong quý 2. Trong quý 3 Netflix dự kiến thêm ngược 1 triệu người đăng ký nhưng hiển nhiên, đây chỉ mới là suy đoán.

Việc Netflix đầu tư thêm vào phim độc quyền cũng không hoàn toàn là do nền tảng này hết hi vọng vào phim cấp phép. Ngược lại, 1 nguyên nhân khiến Netflix chọn làm việc này vì các ông lớn khác đã dần áp dụng phương thức thành công của Netflix và từ chối gia hạn việc cho Netflix trình chiếu phim của họ, thể hiện rõ nhất ở việc loạt phim Marvel từng bộ một rời đi Netflix sang Disney+.

Nếu không so sánh với phim lậu vốn nhiều người Việt Nam đang lạm dụng thì Netflix tính đến hiện tại vẫn là thư viện điện ảnh lớn nhất thế giới, như ước nguyện của Netflix kể từ khi thành lập. Tại Mỹ, luật pháp về Sở hữu trí tuệ và biện pháp trừng phạt các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện rất chặt chẽ.

Theo đó, các công ty như Netflix có thể yên tâm phát triển mà không phải lo việc 1 lượng lớn khách hàng của họ bị các nền tảng phim lậu kéo qua. Chính vì vậy, Việt Nam nếu muốn thành công trong ngành điện ảnh trước hết phải có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn đối với ngành phim lậu, bắt đầu với việc xử phạt web lậu và các web con của nó nhanh nhất có thể, tránh tình trạng dù web chính bị xóa nhưng các web con vẫn có thể vận hành nối tiếp như web phimmoi.net hiện giờ.