Một nhóm học sinh tại Hà Tĩnh đã sáng chế thành công “Thiết bị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người khiếm thị”. Sáng chế ‘đôi mắt’ cho người khiếm thị này cũng là đại diện duy nhất của Hà Tĩnh được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2021.

“Thiết bị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người khiếm thị” là sáng chế của hai em Trương Minh Đức (Lớp 12A8) và Nguyễn Bình An (Lớp 12A6) trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh). Thiết bị này đã đạt giải Nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cho học sinh trung học Hà Tĩnh năm 2021, giải 4 Cuộc thi KHKT cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2021 và mới đây sáng chế này là đại diện duy nhất của Hà Tĩnh được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2021.

Thiết bị dành cho người khiếm thị

Vốn là bạn thân từ khi học cấp 2, lại cùng đam mê sáng chế các thiết bị khoa học kỹ thuật, nên em Trương Minh Đức và Nguyễn Bình An thường xuyên cùng nhau trò chuyện, trao đổi, đề xuất ý tưởng nghiên cứu.

Tháng 9/2020, khi nhìn thấy những người khiếm thị đi lại rất nguy hiểm do không thể xác định được phương hướng, chướng ngại vật ở trên đường nên Minh Đức đã đưa ra ý tưởng làm thiết bị thông minh với Bình An để cùng thực hiện.

Sau khi tìm hiểu và lên kế hoạch một cách tỉ mỉ, hai em trao đổi ý tưởng này với nhà trường và nhận được sự ủng hộ từ các thầy cô. Ban giám hiệu đã cử cô Đinh Thị Hồng Vân (giáo viên bộ môn Hóa) phụ trách, hướng dẫn các em.

Cô Hồng Vân cùng 2 “nhà sáng chế” Minh Đức và Bình An. Ảnh: NVCC.

Theo thông tin từ nhóm sáng chế, thiết bị của nhóm chú trọng vào phần mềm và thuật toán, không phụ thuộc quá nhiều vào phần cứng. Những thành phần cấu tạo đa số có thể tái sử dụng hoặc bán trên thị trường với giá thành rẻ. Vì vậy, nhiều người có cơ hội tiếp cận với sản phẩm này. Điều đặc biệt hơn nữa là sản phẩm có thể hoạt động mọi lúc mọi nơi mà không cần kết nối Internet.

“Thiết bị có 2 phần (phần cứng và phần mềm). Phần mềm chúng em sử dụng trí tuệ nhân tạo. Do tài liệu ở Việt Nam rất ít, chúng em thường tự dịch từ thông tin trên các trang web nước ngoài. Để làm được phần mềm ưng ý, cả hai trải qua nhiều lần thử nghiệm thất bại”, Minh Đức chia sẻ.

Trong quá trình tìm kiếm phần mềm phục vụ cho thiết bị, nhóm sáng chế trẻ đã phải tự dịch các tài liệu từ ngôn ngữ nước ngoài để tổng hợp và chắt lọc thông tin, từ đó tạo ra phần mềm ưng ý. Thiết bị sử dụng phần mềm dựa theo các thuật toán được viết trên Visual Studio 2019 do em Đức và An tự lập trình. Thiết bị này như một chiếc túi được đeo phía trước ngực người khiếm thị. Khi di chuyển, gặp các vật cản, thiết bị sẽ báo hiệu và phát cảnh báo cho người sử dụng. Đồng thời, hướng dẫn người khiếm thị di chuyển sang hướng an toàn. Ngoài ra, thiết bị này còn có khả năng nhận diện người thân cho người sử dụng.

Ứng dụng vào thực tiễn

Ngay sau khi thiết bị được hoàn thiện, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm tại Hội Người mù Hà Tĩnh. Trong quá trình sử dụng, mọi người đánh giá thiết bị rất hữu ích, đồng thời chỉ thêm các nhược điểm, giúp các em khắc phục để hoàn thiện hơn.

Sáng chế của Bình An và Minh Đức được Trường THPT Phan Đình Phùng chọn tham dự giải Sáng tạo KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm 2021 và giành giải Nhất. Sáng chế cũng đem về giải Tư Cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm 2021. Mới đây nhất, thiết bị đã được chọn là 1 trong 76 tác phẩm trong toàn quốc được vinh danh tại Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2021.

Sáng chế được vinh danh tại Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2021

Với ưu điểm chi phí vừa phải, dễ dàng lắp đặt vận hành, không phụ thuộc quá nhiều vào cảm biến và các thiết bị đặc biệt, đồng thời dễ dàng sử dụng và điều khiển thông qua chương trình trình chiếu dữ liệu trên máy tính (DDPU – Desktop Data Presentation Unit).

Bình An và Minh Đức hy vọng trong với những ưu điểm của “Thiết bị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người khiếm thị”, trong tương lai gần, sáng chế có thể được sớm ứng dụng vào đời sống nhằm giúp người khiếm thị hòa nhập tốt hơn với cuộc sống cùng cộng đồng xung quanh.