Sau những vụ lùm xùm về việc tắt tiếng bản quyền quốc ca trong lễ chào cờ trước trận Việt Nam – Lào, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể, liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ bổ sung Điều 24a về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Về vấn đề xin ý kiến tạo nên các thay đổi về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca, trong buổi họp chiều ngày 15/2/2022, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Cụ thể, Báo cáo đã trích dẫn kinh nghiệm quốc tế của nhiều quốc gia lớn trên thế giới, đi đầu về quyền SHTT đã có những luật riêng quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca bởi lẽ đây là các đối tượng đặc thù trong xã hội.
Qua đó, nước ta nếu muốn phát triển, sánh vai với các cường quốc trên thế giới cũng cần phải có các văn bản pháp luật quy định rõ ràng về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Cần phải có một bộ luật hoặc sửa đổi luật quy định chặt chẽ về các vấn đề liên quan đến các đối tượng này.
Phản hồi về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra câu trả lời rằng vấn đề mà cơ quan thẩm tra xin ý kiến là vấn đề mới, xuất phát thực tiễn liên quan đến trục trặc khi một đơn vị tắt tiếng Quốc ca trong chương trình truyền hình trực tiếp trận bóng đã giữa đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Lào gần đây.
Cần có quy định chặt chẽ hơn về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam
Qua đó, theo Chủ tịch Quốc hội, đối với Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca, trong hệ thống pháp luật đã được quy định bằng những quy định khác nhau. Hiến pháp đã quy định về khái niệm cụ thể. Bộ Luật Hình sự năm 2015 cũng quy định về hành vi xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Ngoài ra, Nhà nước ta cũng đã có những quy định khác về các đối tượng này trong các văn bản pháp luật khác.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca có vị trí chính trị đặc biệt, mang tính biểu tượng quốc gia, được bảo vệ bằng biện pháp hình sự.
Tuy nhiên, ông đề nghị Bộ Khoa học và công nghệ báo cáo Chính phủ rằng nếu việc đề xuất có một bộ luật riêng thì cần phải nghiên cứu kỹ về tính khả thi của bộ luật đó, đồng thời đề ra thời gian thực hiện và ban hành bộ luật trong bối cảnh thực tiễn phong phú và cấp bách hiện nay.
Một đại biểu cho biết: Cũng như con người, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca có nhiều bộ luật bảo vệ. Trên tinh thần này, chỉ cần thêm vào luật quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Hoặc nếu cần thiết phải xây dựng bộ luật riêng thì cần phải có lập luận hợp lý.