Ngày 14/8/2021, Chánh án luật hành chính ITC Charles Bullock đã đưa ra phán quyết ban đầu cho rằng Google vi phạm 5 bằng sáng chế thuộc về Sonos Inc liên quan đến các sản phẩm loa thông minh và các công nghệ khác liên quan đến quá trình sản xuất, nghiên cứu và phát triển của sản phẩm.

Cụ thể, Chánh án luật hành chính của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) phán quyết rằng Google đã vi phạm một luật thuế liên bang từ năm 1930, được biết đến như luật Smoot-Hawley. Tuy nhiên, đến hiện tại, ITC vẫn chưa đưa ra các giải thích cũng như chi tiết cụ thể tại sao Google lại vi phạm bộ luật vốn nhằm mục đích ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không công bằng này.

Hiện tại, phán quyết của ITC vẫn chỉ là phán quyết sơ bộ về vụ việc, các quyết định sẽ được xem xét lại vào phiên tòa tiếp theo giữa các bên dự kiến diễn ra vào ngày 13/12/2021. Nếu phán quyết này được thông qua, có khả năng Google sẽ bị cấm hoàn toàn việc nhập khẩu loa thông minh Home, điện thoại Pixel và nhiều sản phẩm khác từ Trung Quốc. 

Tranh chấp giữa Google và Sonos

Về phía Google, họ cho biết rằng Sonos đã nhiều lần tìm kiếm sự trợ giúp từ họ trong suốt nhiều năm hai bên hợp tác với nhau.

Một số sản phẩm loa của Sonos đã được trang bị công nghệ hỗ trợ bằng giọng nói của Google và Amazon.com Inc. Ngược lại, Google cũng tích hợp các sản phẩm của Sonos vào dịch vụ âm nhạc Play Music và phần mềm hỗ trợ Google Assistant của mình.

Google bị cáo buộc vi phạm 5 bằng sáng chế công nghệ trên loa thông minh của Sonos

Phản hồi về phán quyết sơ bộ từ ITC, người phát ngôn đại diện của Google, José Castañeda, thông báo “Chúng tôi không sử dụng công nghệ của Sonos và chúng tôi cạnh tranh dựa trên chất lượng sản phẩm cũng như giá trị của các ý tưởng của chúng tôi.”

Jose Castaneda cũng khẳng định rằng: “Google tự hào về mối quan hệ hợp tác hơn 5 năm với Sonos để cho ra mắt những sản phẩm công nghệ hiện đại trên thị trường. Loa thông minh của Sonos là sản phẩm đầu tiên được tích hợp Google Assistant. Tuy nhiên, chúng tôi rất thất vọng khi Sonos đưa ra những thông tin sai lệch. Chúng tôi sẽ đưa ra bằng chứng khẳng định quyền sáng chế để phản đối cáo buộc này. Mặc dù vướng phải những rắc rối xung quanh vụ kiện nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo sẽ đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng sản phẩm”.

Được biết, sắp tới, để tiến hành phản biện lại quyết định trên vào phiên xem xét vào tháng 12, Google sẽ chuẩn bị hồ sơ và các bằng chứng cụ thể, xác đáng nhằm chứng minh rằng mình không phải bên vi phạm.

Về phía Sonos, công ty này cho biết rằng họ đánh giá cao phán quyết sơ bộ nói trên. Theo Sonos, phán quyết này đã “xác nhận hành vi vi phạm rõ ràng của Google.” Đồng thời, phán quyết này cũng như cú hích thúc giục Sonos tiếp tục bám trụ quyết định của mình, tiếp tục đương đầu với những đối thủ lớn mạnh, những gã khổng lồ công nghệ để bảo vệ công nghệ, kĩ thuật của mình trước các hành vi chiếm đoạt.

Liệu Sonos định đương đầu với cả thế giới?

Tuy nhiên, khi xem xét lại các hồ sơ pháp lý, vụ việc trên chỉ là một phần trong một loạt vụ kiện giữa Google và Sonos. Các vụ kiện khác diễn ra không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn ở các nước khác như Pháp, Đức và Hà Lan.

Không chỉ Google, Sonos còn cáo buộc một gã khổng lồ công nghệ khác là Amazon về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đại diện của Sonos đã chia sẻ với tờ báo The New York Times rằng cả Amazon và Google hiện đang vi phạm khoảng 100 bằng sáng chế của công ty họ.

Tuy nhiên, xét thấy cùng một lúc đối đầu với 2 hãng công nghệ lớn nhất thế giới là không khả thi nên hiện tại Sonos chỉ tập trung vào Google. Có lẽ, trong tương lai, khi vụ kiện giữa Google và Sonos đã đến hồi kết thúc chúng ta sẽ thấy công ty công nghệ này tiếp tục mang Amazon lên tòa.